Multimedia Đọc Báo in

Hướng đi mới của nông dân Hòa Sơn

20:34, 26/05/2017

Những năm gần đây, việc nuôi bò nhốt thâm canh, vỗ béo tại xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) phát triển rất mạnh.

Số lượng đàn trâu, bò hiện có khoảng hơn 5000 con. Các tổ hợp tác, các mô hình chăn nuôi bò được xây dựng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tăng thu nhập. Để phục vụ chăn nuôi bò, nhiều diện tích lúa nước kém hiệu quả, năng suất kém đã được bà con nông dân chuyển đổi sang trồng cỏ.

Nông dân xã Hòa Sơn chuyển đổi các diện tích lúa kém năng suất sang trồng cỏ nuôi bò.
Nông dân xã Hòa Sơn chuyển đổi các diện tích lúa kém năng suất sang trồng cỏ nuôi bò.

Theo thống kê, xã Hoà Sơn có 466 ha lúa nước 2 vụ. Tuy nhiên, trên thực tế đã có khoảng 120 ha được bà con nông dân chuyển sang trồng cỏ nuôi bò, chiếm hơn 25%. Hầu như gia đình nào cũng dành 400 – 500 m2 ruộng, thậm chí có hộ dành hẳn 1.500m2 đất để trồng cỏ cho bò. Ông Trần Hoa Tín, một người dân tại thôn 5 cho biết, so với việc trồng lúa thì nuôi bò cho lợi nhuận cao hơn. Bình quân 1.000 m2 đất trồng lúa tốt thì cho thu hoạch khoảng 1,2 - 1,4 tấn lúa mỗi năm, tính ra thu nhập khoảng 7,2 - 8,4 triệu đồng, cộng cả rơm, rạ thì khoảng 10 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho việc trồng lúa rất cao từ khâu làm đất, mua giống, công, phân bón, thuốc trừ sâu… nên lợi nhuận rất ít, gặp thời tiết không thuận lợi có khi thất thu, thậm chí bị lỗ không đủ chi phí. Song, với 1.000m2 đất trồng cỏ có thể nuôi được 3 con bò. Sau một năm vỗ béo tốt, mỗi con bò có giá trị khoảng 17 – 19 triệu đồng, lợi nhuận thu được 24 triệu đồng, chưa kể có thể tận dụng nguồn phân bò để cải tạo đất hoặc để bán. Ông Tín khẳng định: “Việc trồng cỏ nuôi bò trừ chi phí thì vẫn có lãi hơn 10 triệu đồng so với trồng lúa”.

Việc chăn nuôi bò nhốt thâm canh, vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Hòa Sơn.
Việc chăn nuôi bò nhốt thâm canh, vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Hòa Sơn.

Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn gặp khó trong việc nuôi bò vỗ béo, bò thịt bởi  nguồn vốn đầu tư ban đầu cho con giống cao; sự phát triển của đàn bò nhanh hay chậm còn phải phụ thuộc nhiều vào chất lượng con giống. Bên cạnh đó, đầu ra của bò thịt và giá cả thị trường biến động, chưa ổn định cũng là băn khoăn, lo lắng của người chăn nuôi.

Xã Hòa Sơn hiện vẫn còn đến 726 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 32,74%. Việc nhân dân trên địa bàn xã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém năng suất, kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi, trong đó có việc nuôi bò theo hướng tăng quy mô về số lượng, chất lượng, nhiều chủng loại bò nuôi đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Đây cũng là hướng đi phù hợp với Nghị quyết của Đảng bộ xã Hòa Sơn đề ra.

              Mộng Linh

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.