Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Chủ động phòng chống bệnh trên cây sầu riêng

15:19, 15/05/2017

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Krông Pắc xảy ra hiện tượng cây sầu riêng chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng về kinh tế, khiến người trồng sầu riêng lo lắng.

Trước tình hình đó, các cấp, ngành của huyện, tỉnh chủ động cùng với bà con nông dân tìm ra nguyên nhân và chữa bệnh cho cây, chuẩn bị cho vụ thu hoạch sắp tới...

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (TT-BVTV) tỉnh, huyện Krông Pắc có hơn 470 ha sầu riêng bị bệnh thối rễ, mục thân, cành cây, làm rụng lá. Vụ thu hoạch sầu riêng năm 2017 bắt đầu vào tháng 8, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng vườn cây.

Vườn nhà anh Nguyễn Cửu Long (thôn Tân Thành, xã Ea Yông) có 60 cây sầu riêng, năm ngoái cho thu 10 tấn quả, doanh thu gần 400 triệu đồng. Thế nhưng từ đầu năm nay, cả vườn sầu riêng đổ bệnh, trong vòng hơn một tháng đã chết 10 cây, phần lớn số cây còn lại đang chống chọi với bệnh... Anh Long đã đến Trạm TT-BVTV huyện Krông Pắc nhờ tư vấn và về tận vườn xem xét, hướng dẫn. Sau một thời gian phối hợp với nhiều đơn vị chuyên môn, các kỹ sư đã tích cực cứu chữa những cây còn lại trong vườn. Đến nay, số cây sầu riêng còn sống đã có dấu hiệu phục hồi.

Tương tự, gia đình ông Y Blet Niê (buôn Yung, xã Ea Yông) có 120 cây sầu riêng trồng xen trong 1 ha cà phê. Đợt nhiễm bệnh vừa qua, có 10 cây bị chết, gần nửa số cây còn lại phải cắt cành trơ trụi... Được sự hướng dẫn của cán bộ Trạm TT-BVTT, gia đình ông Y Blet Niê đang tích cực chăm sóc, chữa bệnh cho vườn cây.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Krông Pắc hướng dẫn anh Nguyễn Cửu Long (thôn Tân Thành, xã Ea Yông) cách tiêm thuốc phòng bệnh cho cây sầu riêng.
Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Krông Pắc hướng dẫn anh Nguyễn Cửu Long (thôn Tân Thành, xã Ea Yông) cách tiêm thuốc phòng bệnh cho cây sầu riêng.

Theo kết quả giám định mẫu bệnh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), nguyên nhân gây bệnh trên cây sầu riêng là do nấm Phytophthora spp và Rhizoctonia spp. 2 loại nấm này phát triển mạnh là do những tháng cuối năm 2016 mưa kéo dài làm độ ẩm trong đất, thân cây tăng cao, tạo điều kiện cho bệnh bùng phát, lây lan mạnh. Mặt khác, do nông dân muốn tăng thu nhập nên đã bón phân, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật để khai thác nhanh sản lượng của vườn sầu riêng, dẫn đến sức chịu đựng của cây giảm, từ đó tạo điều kiện cho nấm Phytophthora spp và Rhizoctonia spp dễ dàng tấn công, làm cho cây bị suy kiệt, giảm sức đề kháng, nhiễm bệnh và chết rất nhanh...

Trước diễn biến nghiêm trọng tình hình dịch bệnh, Chi cục TT-BVTV tỉnh và UBND huyện Krông Pắc đã phối hợp tổ chức 8 lớp tập huấn về các biện pháp phòng trừ dịch hại, đặc biệt bệnh do nấm Phytophthora spp và Rhizoctonia spp gây ra, cho 400 lượt người tham gia, tập trung chủ yếu tại các vùng trọng điểm sản xuất sầu riêng của huyện như: Ea Yông, Ea Kênh...; cử cán bộ theo dõi, bám địa bàn, phối hợp với các đoàn liên ngành kiểm tra, lấy mẫu; đồng thời hướng dẫn bà con các biện pháp phòng ngừa.

Ông Trương Văn Cao, Trưởng Trạm TT-BVTV huyện Krông Pắc cho hay, hiện nay cây sầu riêng đang bước vào giai đoạn ra hoa nên Trạm tập trung hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, làm hoa và nuôi trái - đây là giai đoạn quan trọng, dễ ảnh hưởng tới năng suất của vụ thu hoạch. Hiện các vườn bị nhiễm bệnh từ 10 – 20% đã có dấu hiệu giảm và phục hồi; còn các vườn có tỷ lệ nhiễm bệnh từ 50 – 70% đã không còn lây lan.

Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng WASI khuyến cáo, để bảo đảm cho năng suất cây sầu riêng bền vững, người dân lưu ý trồng giống cây sạch bệnh, sử dụng nhiều phân hữu cơ, chế phẩm sinh học và đặc biệt phải thường xuyên kiểm tra vườn cây để có những giải pháp phòng trừ hiệu quả. Người dân cũng nên thâm canh sầu riêng xen trong vườn cà phê ở mức độ vừa phải, từ 80-100 cây/ha kết hợp bón phân hữu cơ để giúp cho cây khỏe, tăng sức đề kháng đối với sâu bệnh hại...

Nguyễn Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.