Multimedia Đọc Báo in

Khuyến khích nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

07:31, 08/05/2017

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững (NDSXKDG) do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động đã được Hội Nông dân các cấp trong tỉnh nỗ lực thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hội Nông dân tỉnh đã triển khai thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ phong trào đã có nhiều tấm gương nông dân phát huy lợi thế của địa phương, khai thác tốt mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn, biết vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Tiêu biểu như ông Phạm Văn Tiếp, hội viên nông dân Chi hội 2 (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột). Năm 1989, với xuất phát điểm là 1 sào cà phê liên kết, gia đình ông Tiếp bắt đầu phát triển kinh tế từ trồng trọt. Đến năm 1999, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mở rộng diện tích canh tác lên 4 ha. Để nâng cao kiến thức, nắm bắt được các kỹ năng chăm sóc và kịp thời phòng trừ sâu bệnh, ngoài học hỏi kinh nghiệm trong thực tế sản xuất, ông tích cực tham gia các chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức. Nhờ vậy, 4 ha cà phê phát triển xanh tốt, bình quân mỗi năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng. Dần dần ông tích lũy vốn mua thêm 1,7 ha tiêu. Với việc thu hoạch tiêu khoảng 8,5 tấn/năm, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2015, nhận thấy diện tích trồng tiêu đang được phát triển ồ ạt, ông Tiếp quyết định bán vườn tiêu lấy vốn làm dịch vụ và buôn bán. Từ công việc này, gia đình ông đã tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Văn Thi, hội viên nông dân Chi hội 11 (xã Ea Wy, huyện Ea H’leo) lại cho rằng, muốn làm giàu ngay tại quê hương mình thì phải mở rộng sản xuất, sản xuất nông nghiệp phải gắn với dịch vụ. Hiện nay, với mô hình sản xuất chuyên canh cây hồ tiêu và 1 đại lý cung ứng phân bón thuốc bảo vệ thực vật, gia đình ông thu nhập ổn định hơn 2 tỷ đồng/năm. Hằng năm, ông còn cho vay 50 tấn phân NPK không tính lãi, ủng hộ 500 bầu giống hồ tiêu cùng 60 triệu đồng giúp đỡ hội viên nghèo phát triển kinh tế.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình sản xuất giỏi của hội viên nông dân xã Cư Elang, huyện Ea Kar.
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình sản xuất giỏi của hội viên nông dân xã Cư Elang, huyện Ea Kar.

Phong trào NDSXKDG đã góp phần tạo nên các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn, thúc đẩy việc hình thành các loại hình hợp tác sản xuất, trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua việc triển khai phong trào, các cấp Hội trong tỉnh đã trực tiếp và phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng được 160 mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn, trong đó 18 hợp tác xã, 142 tổ hợp tác về nông nghiệp. Bước đầu các mô hình kinh tế tập thể đã giúp nông dân liên kết tốt trong việc sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế cho các thành viên. Điển hình như tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) thu hút 429 hộ nông dân tham gia với năng suất vườn cây ổn định 4,5 tấn/ha; HTX dịch vụ, tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình, xã Cư Kty (huyện Krông Bông) đã ký hợp đồng với các công ty cung ứng đầy đủ vật tư nông nghiệp theo từng mùa vụ cho nông dân với tổng vốn đầu tư hằng năm hơn 6 tỷ đồng, liên kết với Nhà máy mía đường Đắk Nông bao tiêu sản phẩm trên 200 ha mía nguyên liệu cho bà con nông dân…

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của hội viên nông dân TP. Buôn Ma Thuột.
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của hội viên nông dân TP. Buôn Ma Thuột.

Rõ ràng, để phong trào nông dân SXKDG phát huy hiệu quả, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các cấp Hội Nông dân cần phát huy hơn nữa vai trò "bà đỡ" cho nông dân. Ngoài việc đẩy mạnh công tác vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, các cấp Hội cần hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho nông dân; làm đầu mối liên kết với các ngân hàng, doanh nghiệp để giúp bà con tiếp cận các nguồn vốn vay, bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân có cơ hội tiếp cận thị trường, định hướng sản xuất. 

Giai đoạn 2012-2016, bình quân hằng năm toàn tỉnh có 78.038 hộ đạt danh hiệu SXKDG, chiếm 50% tổng số hộ đăng ký thi đua. Trong đó, nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, mức thu nhập từ 200 - 900 triệu đồng/năm tăng gấp 2,9 lần; mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 5 lần so với giai đoạn 2007 - 2012.


Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.