Multimedia Đọc Báo in

Lời giải nào cho chăn nuôi heo trong thời kỳ rớt giá? (Kỳ 2)

08:36, 23/05/2017

Kỳ 2: Nghịch lý giá thịt

Nhiều nông dân đang ngậm ngùi chua xót khi giá heo hơi rớt thê thảm, trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá khá cao. Nghịch lý về giá thịt rõ ràng không công bằng với người nuôi và thiếu “sòng phẳng” với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng vẫn mua thịt ở giá cao

Giá heo xuất chuồng giảm, người nuôi lỗ nặng đã đành, nhưng có một nghịch lý là giá heo thịt bán ra tại chợ vẫn ở mức cao hoặc có giảm nhưng không tương ứng. Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, chợ Tân Thành…, các sản phẩm thịt heo bán ra có giá từ 70.000 đồng đến 120.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, thịt ba chỉ có giá 70.000 đồng/kg, thịt đùi 75.000 đồng/kg, sườn non 85.000 đồng/kg, tim heo 120.000 đồng/kg... Chị Phạm Thị Mai, người tiêu dùng phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng, rất vô lý khi đã một thời gian khá dài heo hơi tụt giá nhưng giá các sản phẩm thịt heo đến tay người tiêu dùng vẫn không được điều chỉnh. Mãi đến 3 ngày gần đây thì giá mỗi ký thịt chỉ giảm “nhỏ giọt” được khoảng 5.000 đồng. Tương tự, bà Ngô Thị Vinh (phường Thống Nhất) cũng tỏ ra bất bình, bà cảm thấy ngạc nhiên vì mọi khi, giá xăng tăng hay thời tiết diễn biến bất thường thì hàng hóa bán ra ở chợ, nhất là thực phẩm ngay lập tức tăng theo, trong khi đó, giá xăng, gas thì giảm, thời tiết không có gì bất thường… mà thịt heo ngoài chợ giá vẫn khá cao.

Lý giải về điều này, nhiều tiểu thương ở chợ cho hay, dù giá heo hơi xuống thấp kỷ lục, nhưng giá thịt họ nhập từ các đầu mối vẫn không giảm. Riêng 3-4 ngày trở lại đây, các đầu mối cung cấp hàng chấp nhận điều chỉnh nên giá bán lẻ theo đó cũng giảm đôi chút. Theo Sở Công thương,  chăn nuôi heo trên địa bàn chủ yếu  theo quy mô nhỏ, phân  tán nên rất khó để kết nối vào các kênh tiêu thụ lớn chính vì vậy chi phí ở các khâu trung gian rất khó kiểm soát, dẫn đến tình trạng người nuôi thì lỗ nặng thì người tiêu dùng chịu thua thiệt còn nhà phân phối, trung gian thì sống… khỏe.

Người tiêu dùng chọn mua thịt heo tại chợ đầu mối Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng chọn mua thịt heo tại chợ đầu mối Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột.

“Giải cứu”  thịt heo

Góp phần hỗ trợ người chăn nuôi heo, đầu tháng 5 này, một số siêu thị trên địa bàn thực hiện phân phối thịt heo không lợi nhuận giúp các hộ chăn nuôi và tiến hành thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường. Cụ thể, từ 8-5, siêu thị VinMart Buôn Ma Thuột (thuộc Tập đoàn Vingroup) triển khai chiến dịch “Hỗ trợ hộ nuôi heo - Bán hàng không lợi nhuận”, siêu thị thu mua thịt heo tại địa phương với mức giá cao hơn giá thị trường và giảm 20% giá bán ra cho người tiêu dùng. Co.opMart Buôn Ma Thuột cũng tiến hành giảm giá đến 19% đối với các sản phẩm thịt heo bán ra tại siêu thị. Hai đơn vị này cam kết, đây đều là các sản phẩm thịt sạch, được kiểm dịch an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc từ các hộ chăn nuôi tại Buôn Đôn, TP. Buôn Ma Thuột… đang cung cấp dài hạn cho siêu thị.

Ông Phạm Thái, Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở cũng đang tiến hành thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng thịt heo trên địa bàn tỉnh, góp phần cân đối cung cầu, bình ổn thị trường. Cụ thể, Sở yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, ban quản lý chợ, tổ chức, cá nhân kinh doanh, phân phối mở các điểm bán thịt heo bình ổn với giá thấp hơn giá thị trường, đưa sản phẩm thịt rẻ, sạch, có kiểm định chất lượng đến tay người tiêu dùng, tăng lượng thu mua, cấp đông thịt heo. Đồng thời, đẩy mạnh việc ký kết các hợp đồng tiêu thụ với các trang trại, cơ sở chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định, lâu dài. Thực hiện tăng giá mua heo hơi để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi và hạ giá bán các loại thịt heo; tiết giảm các chi phí trung gian nhằm giảm sự chênh lệch giá bán, kích cầu tiêu dùng. Riêng đối với lực lượng vũ trang, trường học, bệnh viện, các đơn vị có bếp ăn tập thể trên địa bàn cùng chung tay tiêu thụ thịt heo, kết nối với các cơ sở giết mổ gia súc, siêu thị, trung tâm thương mại… ký kết hợp đồng tiêu thụ để có giá thành thấp hơn.

Để tháo gỡ khó gỡ khó khăn cho người chăn nuôi heo, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì hướng dẫn UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn tạo điều kiện tối đa cho việc xuất khẩu thịt heo. Đồng thời, chủ trì, phối hợp Bộ NN-PTNT và các địa phương chỉ đạo Sở Công thương làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, giết mổ có năng lực dự trữ, chế biến tăng cường thu mua giết mổ cấp đông thịt heo trong các tháng hè; rà soát chi phí trong các khâu nhằm giảm chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ.

(Còn nữa)*

Minh Thuận - Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.