Multimedia Đọc Báo in

Lời giải nào cho chăn nuôi heo trong thời kỳ rớt giá? (Kỳ cuối)

08:48, 24/05/2017

Kỳ cuối: Cần có những giải pháp căn cơ 

Trên thực tế, việc giải cứu heo rớt giá đang chỉ là biện pháp tạm thời, mới giải quyết được phần “ngọn” của vấn đề chăn nuôi heo hiện nay. Để không lập lại tình trạng trên, ngành chăn nuôi cần rà soát lại tổng thể để có những giải pháp căn cơ về xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi.

Tập trung giải quyết phần “gốc”

Theo số liệu của Sở NN-PTNT, tính đến cuối năm 2016, tổng đàn heo của Đắk Lắk gần 900.000 con, tăng 118.733 con so với năm trước, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống nên việc tiêu thụ phần lớn phụ thuộc vào các tiểu thương mua gom và tự giết mổ. Chính điều này gây khó khăn cho việc tổ chức phân phối cũng như quản lý hoạt động của các thương nhân nhỏ lẻ ở khâu trung gian. Mặt khác, chăn nuôi nhỏ lẻ cũng rất khó để kết nối tiêu thụ vào các kênh lớn như các doanh nghiệp (DN) chế biến, giết mổ tập trung và các siêu thị… Thực trạng này đòi hỏi ngành chăn nuôi của tỉnh cần rà soát lại tổng thể, xác định quy mô tổng đàn; tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết các hộ nông dân, trang trại nhỏ lẻ thành HTX mới mong giải quyết được tình trạng sản xuất manh mún; hợp tác được với DN chế biến, bán lẻ, xuất khẩu thì đầu ra của thịt heo mới ổn định được.

Trang trại nuôi heo gia công trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Trang trại nuôi heo gia công trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Sở NN-PTNT cho biết, để hướng tới chăn nuôi bền vững, ngành chăn nuôi cũng đang triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng chuyển dịch mạnh phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong nông hộ sang chăn nuôi tập trung công nghiệp, đến năm 2020 chăn nuôi heo tập trung chiếm 25 - 30% tổng sản lượng thịt và từ 50% trở lên vào năm 2030. Để thực hiện điều này, giải pháp đưa ra là quy hoạch, phát triển chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm, chăn nuôi theo quy mô trang trại; thu hút DN liên kết đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) để xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; phát triển cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và xây dựng chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm thịt heo sạch; hỗ trợ phát triển các HTX chăn nuôi heo như: mua chung vật tư đầu vào, thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất chung và bán chung sản phẩm (một con - một quy trình - một hoặc nhiều sản phẩm); hỗ trợ một phần chi phí bảo hiểm cho cơ sở chăn nuôi an toàn…

Cần có giải pháp thị trường cho thịt heo

Hiện sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu tiêu dùng nội tỉnh và một số tỉnh lân cận như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, các tỉnh miền Trung… Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ luôn biến động, không ổn định; việc nắm bắt thông tin để điều chỉnh sản xuất theo thị trường của người chăn nuôi còn hạn chế, nhất là nhóm đối tượng chăn nuôi nhỏ lẻ; việc mua bán thường qua nhiều khâu trung gian nên hiệu quả của người trực tiếp chăn nuôi chưa cao. Trong khi đó, sự gắn kết giữa thương lái, DN và hộ chăn nuôi chưa phổ biến; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là tươi sống... Các hộ chăn nuôi cho rằng, tỉnh cần chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ thịt heo, trong đó chú trọng đến phát triển ngành chế biến thực phẩm từ thịt heo nhằm tăng nhu cầu tiêu thụ heo và sản phẩm từ thịt heo; kiểm soát tốt nguồn cung từ khâu chăn nuôi để bảo đảm ngành chăn nuôi heo phát triển ổn định...

Theo ông Phạm Thái, Giám đốc Sở Công thương, thực trạng chăn nuôi heo quy mô nhỏ lẻ là một khó khăn cho ngành Công thương trong việc kết nối sản xuất với các kênh tiêu thụ lớn. Vì vậy, ngành Nông nghiệp cần giải quyết sớm những hạn chế trong khâu tổ chức sản xuất; tiến hành tổ chức chăn nuôi theo chuỗi hoặc liên kết cho hộ chăn nuôi theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm… thì việc tìm kiếm thị trường sẽ dễ dàng hơn. Hiện Sở cũng đã có văn bản đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại và các tổ chức, cá nhân kinh doanh – phân phối đẩy mạnh việc ký kết các hợp đồng tiêu thụ với các trang trại, cơ sở chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định, lâu dài.

Minh Thuận - Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.