Multimedia Đọc Báo in

Lời giải nào cho chợ truyền thống? (Kỳ 1)

15:51, 07/05/2017

Nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến các kênh phân phối bán lẻ hiện đại để lựa chọn hàng hóa, điều này cũng đặt ra thách thức lớn đối với các chợ truyền thống.

Kỳ1: Chợ truyền thống đứng trước cuộc trạnh tranh lớn

Nếu như trước, chợ truyền thống gần như chiếm lĩnh thị trường thì gần đây, sự xuất hiện của các trung tâm thương mại, siêu thị đã chia bớt khách hàng, dịch chuyển sức mua khiến chợ đang dần mất thế “độc tôn”.

Bùng nổ kênh mua sắm hiện đại

Có thể nói, 5 năm trở lại đây, thương mại trên địa bàn tỉnh đang đón làn sóng đầu tư mới khi mà nhiều tập đoàn lớn đã chọn Đắk Lắk để đầu tư các dự án bán lẻ hiện đại và có quy mô lớn. Sự tham gia của nhiều “ông lớn” góp phần tác động làm chuyển biến, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khiến lĩnh vực thương mại trở nên sôi động hơn.

Khách tham quan, mua sắm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.
Khách tham quan, mua sắm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Trung tâm thương mại Vincom Plaza (tại số 78 Lý Thường Kiệt) của Tập đoàn Vingroup được đưa vào hoạt động năm 2016. Trung tâm thương mại này có diện tích 11.000 m2 gồm 6 tầng kinh doanh và 1 tầng hầm được coi là tổ hợp mua sắm, vui chơi, giải trí và ẩm thực lớn nhất tại TP. Buôn Ma Thuột và khu vực Tây Nguyên và cũng là công trình đầu tiên của Tập đoàn trên vùng đất Tây Nguyên. Không thể bỏ qua thị trường đầy tiềm năng này, mới đây nhất, đầu năm 2017, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên cũng đầu tư 700 tỷ đồng để xây dựng Tổ hợp khách sạn 5 sao, trong đó có siêu thị Mường Thanh bày bán hàng loạt sản phẩm thương hiệu uy tín trong và ngoài nước, cung cấp không gian mua sắm hiện đại cho người dân. Trước đó, Đắk Lắk cũng có nhiều dự án lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột (vốn đầu tư 52 tỷ đồng), Siêu thị điện máy Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột (300 tỷ đồng), Trung tâm Metro&Carry Buôn Ma Thuột (303 tỷ đồng)… đã thu hút lượng lớn người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm.

Cùng với các siêu thị, trung tâm thương mại trên là sự xuất hiện của hàng loạt cửa hàng tự chọn, siêu thị mini ở hầu khắp trên địa bàn tỉnh. Sự xuất hiện của các kênh bán lẻ hiện đại này đã mang lại nhiều tiện lợi và giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn khi mua sắm. Hầu hết họ đều hài lòng về thái độ, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa tại những kênh cung ứng này. Chị Võ Thị Kim Hương, người tiêu dùng tại TP. Buôn Ma Thuột cho  hay, mua hàng ở siêu thị chị cảm thấy yên tâm hơn vì nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đã qua khâu kiểm soát ban đầu. Hơn nữa, mua hàng đúng vào những dịp có khuyến mãi, giảm giá cũng giúp chị tiết kiệm một phần chi phí.

Chia sẻ khách hàng

Trên thực tế, tại các chợ truyền thống đang có sự “chia sẻ” khách hàng với các siêu thị. Đơn cử như chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột vốn là địa điểm luân chuyển hàng hóa, mua sắm lớn nhất của tỉnh nhưng gần đây, cũng không còn tấp nập như trước. Chị Nguyễn Thị Tâm, chủ quầy tạp hóa tại tầng 2, chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, thông thường, chợ chỉ nhộn nhịp vào những ngày cuối tuần nhưng gần đây, ngày nghỉ người tiêu dùng lại  “đổ” về các siêu thị để tham quan, mua sắm. Sức mua ở chợ đang giảm đáng kể, ngay như dịp Tết Nguyên đán vừa qua, doanh số bán ra của chị đã giảm gần một nửa so với mọi năm.

Khách mua hàng tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.
Khách mua hàng tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Theo Sở Công thương tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường tỉnh quý I-2017 đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 9,8% so với quý I-2016. Hoạt động bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ tăng do có chương trình bình ổn giá dịp Tết và  các đợt khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn được triển khai tại các siêu thị, trung tâm thương mại nên “hút” người tiêu dùng.

Thống  kê của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ Việt Nam đạt trên 10% mỗi năm. Năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 2,68 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2015. Trong đó, tỷ trọng doanh thu bán lẻ theo phương thức truyền thống chiếm tới 80%, bán lẻ hiện đại chiếm 20%. Điều này cho thấy, người tiêu dùng vẫn không hề “quay lưng” với chợ truyền thống. Tuy nhiên, hiện đang có sự dịch chuyển khách hàng từ kênh mua sắm chợ chuyền thống sang các siêu thị, trung tâm thương mại. Tỷ lệ người mua hàng tại kênh hiện đại đang có xu hướng nhích dần lên, còn số người tiêu dùng chọn mua hàng ở chợ hay quầy tạp hóa có xu hướng giảm.

Trong cuộc sống hiện tại, có thể nói rằng chợ truyền thống không thể bị thay thế bởi các trung tâm thương mại hiện đại và vẫn đóng vai trò cần thiết, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức mới. Thực tế này, đòi hỏi chợ phải thay đổi nếu không muốn bị “đánh bật”.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.