Multimedia Đọc Báo in

M'Đrắk nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới

22:03, 26/05/2017

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện M’Đrắk đã hoàn thành 95/228 tiêu chí, đạt 41,67%, bình quân mỗi xã đạt 7,92 tiêu chí. Là huyện nghèo của tỉnh, trong điều kiện xuất phát điểm thấp, dù chưa có xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng bộ mặt nông thôn huyện M’Đrắk đã có những khởi sắc rõ rệt.

Nhân dân tổ 1, thị trấn M'Đrắk giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông.
Nhân dân tổ 1, thị trấn M'Đrắk giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông.

Thôn Ea Tê là một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của xã Krông Jing. Trong thời gian qua, nhân dân trong thôn đã đồng lòng, chung sức xây dựng nhiều công trình như: hội trường thôn rộng 100 m2 gồm 1 phòng họp có sức chứa gần 100 người với tổng kinh phí 120 triệu đồng (trong đó nhân dân đóng góp bằng tiền mặt trên 66 triệu đồng, các công ty ủng hộ vật liệu và tiền mặt gần 31 triệu đồng, huy động 112 ngày công lao động); sân vui chơi, giải trí, thể thao rộng 250 m2 với tổng kinh phí 38 triệu đồng (trong đó nhân dân đóng góp 30 triệu đồng và 97 ngày công thực hiện); sửa chữa, nâng cấp tuyến đường liên xã dài 4 km, rộng 5 m và đường liên thôn dài 1 km, rộng 3,5 m (trong đó, bà con đóng góp 8 triệu tiền mặt, 24 xe đá và 84 ngày công lao động). Những công trình trên đã góp phần giúp bộ mặt nông thôn ở thôn Ea Tê khang trang hơn rất nhiều. Anh Nguyễn Đình Giao, Trưởng thôn Ea Tê cho biết: “Là địa phương còn nhiều khó khăn, thôn xác định không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước mà phải huy động sức mạnh nội lực của toàn dân trong xây dựng nông thôn mới. Để huy động nguồn lực trong dân, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được đặt hàng đầu, các phương án được xây dựng cụ thể, bảo đảm minh bạch, công khai, do dân giám sát”.

Đến nay, xã Ea Riêng đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Với rất nhiều khó khăn như: địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp, để đạt được kết quả trên, chính quyền địa phương, các thôn và người dân đã tập trung nguồn lực đầu tư cho các tiêu chí chưa đạt và gần đạt theo phương thức lựa chọn nội dung, tiêu chí dễ tập trung làm trước, khó làm dần qua các năm; những tiêu chí không cần kinh phí hoặc cần ít vốn mà vẫn có thể thực hiện được thì vận động các ban ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia đóng góp thực hiện. Trong năm 2016, nhân dân xã Ea Riêng đã đóng góp trên 521,4 triệu đồng và 203 ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: nhà văn hóa xã; hội trường thôn; cổng thôn văn hóa; sân bóng – sân hội trường; cầu dân sinh; làm đường liên thôn… Việc triển khai và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được chú trọng.

Nhân dân thôn 10, xã Ea Lai tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Nhân dân thôn 10, xã Ea Lai tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Dù còn không ít khó khăn nhưng các địa phương huyện M’Đrắk đang nỗ lực hết sức trên con đường về đích nông thôn mới. Huyện đang phấn đấu đạt thêm khoảng 22 tiêu chí trong năm 2017, nâng tổng tiêu chí đạt được lên 117 tiêu chí/228 tiêu chí, góp phần đưa bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện ngày một khởi sắc, giàu đẹp.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.