Multimedia Đọc Báo in

Nan giải bài toán cân đối ngân sách (Kỳ 1)

15:19, 15/05/2017

Bài toán cân đối ngân sách đang đặt ra cho các nhà quản lý rất nhiều thách thức. Theo kết quả kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 của tỉnh Đắk Lắk cho thấy, ngân sách tỉnh đang gặp nhiều khó khăn khi mà các khoản thu thiếu tính bền vững, trong khi chi công thiếu tính hợp lý.

Kỳ 1: Những con số biết nói

Qua kết quả kiểm toán năm 2015, nhiều số liệu về công tác thu – chi ngân sách Nhà nước (NSNN) không khỏi khiến nhiều người băn khoăn.

Thu 1 chi 3

Năm 2015, tổng thu NSNN trên địa bàn được trên 4.965 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng chi ngân sách địa phương lên đến trên 12.795 tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển trên 1.913 tỷ đồng; chi thường xuyên trên 9.195 tỷ đồng; còn lại là chi chuyển nguồn (trên 1.460 tỷ đồng) và chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính (1.140 tỷ đồng). Trong các khoản chi trên, đáng chú ý là chi thường xuyên tăng cao so với thực hiện năm 2014 và chiếm 72,9% chi cân đối ngân sách địa phương. Nguyên nhân được đưa ra là do trong năm này, bổ sung chi cho các đối tượng chính sách, tăng chi để thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị… từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung, từ nguồn tăng thu, thu chuyển nguồn năm trước chuyển sang, nguồn chi khác, nguồn dự phòng ngân sách…

KTNN cho rằng, chi phí vận hành điện chiếu sáng của TP. Buôn Ma Thuột cao hơn 54,5% so với địa phương có điều kiện tương đương.
KTNN cho rằng, chi phí vận hành điện chiếu sáng của TP. Buôn Ma Thuột cao hơn 54,5% so với địa phương có điều kiện tương đương.

Đáng lưu ý, theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), chi chuyển nguồn của tỉnh đã để xảy ra nhiều sai sót. Trong đó, chi chuyển nguồn năm 2015 của địa phương là trên 1.460 tỷ đồng, tăng 47,2% so với thực hiện năm 2014, chiếm tỷ trọng 13,4% tổng chi ngân sách địa phương (NSĐP). Nguyên nhân chủ yếu do một số nhiệm vụ chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương đang còn nhiệm vụ chi chuyển sang năm 2016 để thực hiện trên 799 tỷ đồng (chi kinh phí hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi; kinh phí hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP; hỗ trợ thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo…) và ngân sách cấp trên bổ sung các khoản có mục tiêu vào cuối năm nên địa phương không triển khai kịp (trên 104 tỷ đồng). Đây là các khoản chi cần thiết, nhưng KTNN cũng lưu ý địa phương phải thực hiện đúng các quy định, nhất là việc chi chuyển nguồn ngân sách cấp tỉnh phải thực hiện trước ngày 15-3 hằng năm.

Thi công công trình thủy lợi tại huyện Ea Súp.
Thi công công trình thủy lợi tại huyện Ea Súp.

Đâu là nguyên nhân?

KTNN nhận định, việc quản lý điều hành ngân sách năm 2015 của địa phương còn nhiều tồn tại cần khắc phục như nợ đọng xây dựng cơ bản đến 31-12-2015 gần 1.330 tỷ đồng (đã trừ nợ do nguồn ngân sách Trung ương bảo đảm gần 106 tỷ đồng); còn dư nợ tạm ứng từ ngân sách Trung ương gần 619 tỷ đồng; nợ mua sắm, sửa chữa của các đơn vị dự toán, huyện, thị xã trên 202 tỷ đồng… trong khi đó, ngân sách tỉnh cho các đơn vị tạm ứng chưa thu hồi đến 31-12-2015 gần 407 tỷ đồng (trong đó tạm ứng quá hạn trên 68 tỷ đồng). Trong những tồn tại trên, yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến cân đối ngân sách là việc bố trí vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản. Năm 2014, kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản Trung ương giao cho tỉnh trên 1.335 tỷ đồng, địa phương giao lại gần 2.236 tỷ đồng, tăng so với kế hoạch vốn Trung ương giao gần 901 tỷ đồng. Đây là nguồn chi cần thiết để đầu tư phát triển, nhưng KTNN cho rằng, thời gian lập kế hoạch vốn (17-11-2014) còn chậm so với quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC, ngày 23-6-2003 (chậm nhất là ngày 25-7-2014); kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm (2011-2015) không có danh mục đầu tư cụ thể; không lập kế hoạch đầu tư từ ngân sách NSNN 3 năm (2013-2015) để làm cơ sở phân bổ vốn đầu tư; không định hướng cho từng năm để làm cơ sở chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện trong quá trình quản lý, điều hành. Trong khi đó, việc quản lý chi thường xuyên của tỉnh cũng như các địa phương cũng chưa hợp lý gây bị động trong giải ngân, thanh toán.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.