Nan giải bài toán cân đối ngân sách (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Làm thế nào để bảo đảm sự cân bằng?
Những số liệu kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 của tỉnh rõ ràng là hồi chuông cảnh báo đối với các nhà quản lý. Trong điều kiện thu ngân sách còn nhiều khó khăn như hiện nay, để bảo đảm sự cân bằng thu – chi đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ các cấp, ngành.
Siết kỷ luật tài khóa
Cân đối thu – chi đang là bài toán tài chính nan giải cho các nhà quản lý. Thế nên, để bảo đảm sự cân bằng thu – chi ngân sách, nhiều người nghĩ ngay đến nhóm giải pháp chống thất thu ngân sách. Cụ thể ở đây là việc tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu ngân sách Nhà nước; xử lý nghiêm việc trốn thuế, nợ đọng thuế, kiểm tra chống các hành vi chuyển giá, buôn lậu, tăng cường chế tài, thực thi nghiêm pháp luật về thuế. Nhưng giải pháp tăng thu để bù chi thông qua tăng thuế và phí, và tăng giá các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế… không phải là giải pháp căn cơ, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ cả về kinh tế và xã hội.
Chợ Cư Kbang (huyện Ea Súp) được đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng không phát huy hiệu quả. |
Chi ngân sách hợp thành từ hai phần là chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Trong đó, chi đầu tư phát triển là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Nắm được tầm quan trọng của việc cân đối ngân sách Nhà nước, trong rất nhiều cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh đã tỏ ra khá cương quyết khi yêu cầu các địa phương phải hoàn thành nhiệm vụ thu để ít nhất cũng bảo đảm được một phần chi thường xuyên của địa phương mình. Thế nhưng, trong khi các địa phương đang “loay hoay” với việc thu ngân sách thì các khoản chi thường xuyên lại ngày một “phình ra”. Đã đành chi thường xuyên là cần thiết, nhưng điều đáng nói là không những các khoản chi này đang chiếm tỷ trọng khá lớn (chiếm 72,9% chi cân đối ngân sách của tỉnh) mà qua kiểm toán tại các đơn vị, xác định các khoản thu hồi, giảm dự toán, thanh toán năm sau và xử lý tài chính khác đã lên đến trên 194 tỷ đồng, làm giảm tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý sử dụng NSNN.
Nâng cao hiệu quả đầu tư công
Song song với kìm hãm sự tăng vọt và kiểm soát tốt chi thường xuyên thì việc nâng cao hiệu quả đầu tư công, phát huy hiệu quả từng đồng vốn là hết sức cần thiết. Bởi thực tế là qua kiểm toán, có dự án tăng giá gói thầu đến 21% do việc khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán chưa chặt chẽ. Hơn nữa, rất nhiều dự án không bảo đảm tiến độ (thi công và giải ngân) khiến giá trị dự án tăng, gây thiệt hại cho NSNN. Theo một lãnh đạo Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, trong thời gian tới, để nâng hiệu quả chi ngân sách, HĐND tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác chi, nhất là các khoản chi của các địa phương.
Một yếu tố rất đáng quan tâm và có thể xử lý ngay được là tình trạng các địa phương đã không báo cáo đầy đủ về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ mua sắm, sửa chữa càng khiến tỉnh khó có biện pháp xử lý nợ đọng và chỉ đạo kiên quyết trong cân đối các nguồn vốn hằng năm một cách phù hợp. Đó là chưa kể việc các đơn vị dự toán của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thực hiện mua sắm, sửa chữa vượt nguồn dự toán được giao, chưa được cấp thẩm quyền cho phép dẫn đến gia tăng nợ của chính quyền địa phương gây khó khăn trong cân đối thu – chi NSNN.
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc