Multimedia Đọc Báo in

Người dân Krông Bông không còn mặn mà với cây thuốc lá

13:02, 19/05/2017

Cây thuốc lá nhiều năm về trước được xem là loại cây trồng chính trong vụ đông xuân, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Krông Bông. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây người dân đã không còn mặn mà với loại cây này.

Cây thuốc lá được người dân huyện Krông Bông trồng từ gần 10 năm trước. Thời vụ trồng thuốc lá chỉ kéo dài 80 đến 90 ngày, người dân vẫn đủ thời gian gieo trồng 2 vụ lúa, ngô trong năm nên được huyện đưa vào danh mục cây trồng sản xuất vụ đông xuân. Anh Nguyễn Đình Hằng ở thôn 5, xã Hòa Lễ cho hay: Gia đình anh bắt đầu trồng cây thuốc lá từ khoảng năm 2010. Trung bình mỗi năm gieo trồng khoảng gần 2 ha. Tuy nhiên năm nay anh không xuống giống cây thuốc lá nữa do giá cả thấp mà chi phí đầu tư cao, công chăm sóc nhiều; mấy vụ gần đây tình trạng sâu bệnh gia tăng khiến năng suất và chất lượng thuốc lá cũng giảm xuống. Nếu trước kia mỗi sào cho thu hoạch tầm 3,5 - 4 tạ thì nay chỉ còn 2,5 - 3 tạ/sào; giá cả những năm trước vào khoảng 50–60 nghìn đồng/kg thành phẩm thì giờ đây chỉ còn 35-40 nghìn đồng. Tương tự, ông Nguyễn Xuân Cúc ở xã Khuê Ngọc Điền cũng cho rằng loại cây này khó chăm sóc, phải phun thuốc trừ sâu nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe trong khi năng suất và giá cây thuốc xuống thấp người dân không ai mặn mà nữa.

Người dân xã Hòa Lễ đưa cây bí đỏ vào trồng thử nghiệm trên diện tích  đã từng trồng cây thuốc lá.
Người dân xã Hòa Lễ đưa cây bí đỏ vào trồng thử nghiệm trên diện tích đã từng trồng cây thuốc lá.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ cho hay, trong những năm từ 2009 đến 2011, diện tích cây thuốc lá ở xã Hòa Lễ luôn ở mức cao nhất trong huyện, có vụ gieo trồng đến 300 ha. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn thu từ cây thuốc lá giảm mạnh nên nhiều hộ dân đã quay lưng với loại cây trồng này. Vụ đông xuân năm 2016-2017 toàn xã không trồng cây thuốc lá nào, trong khi kế hoạch đăng ký là 20 ha.

Sau khi bỏ cây thuốc lá, người dân đang từng bước chuyển sang các loại cây trồng khác như: bí xanh, bí đỏ và khoai lang Nhật... Tuy nhiên, trên địa bàn xã Hòa Lễ mới chỉ có khoảng 26 ha đất được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác còn khoảng hơn 300 ha đất trồng cây thuốc lá trước đây chưa được người dân chuyển đổi mà bỏ trống trong vụ đông xuân.

Ông Lê Thanh Chương, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông cho biết: Vụ đông xuân 2016-2017 toàn huyện chỉ gieo trồng được 10 ha thuốc lá trong khi kế hoạch là 43 ha. Ngay sau khi diện tích cây thuốc lá giảm, huyện đã liên hệ với Công ty thuốc lá Hòa Việt (đơn vị đầu tư và bao tiêu sản phẩm thuốc lá trên địa bàn huyện) để có hướng hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, phía công ty cũng tỏ ra thờ ơ do sau nhiều năm canh tác, chất đất xấu đi, chất lượng thuốc lá cũng giảm đáng kể.

Để thay thế cây thuốc lá, huyện đã hướng dẫn người dân trồng các loại cây thị trường đang có nhu cầu như: khoai lang Nhật, khoai sọ, ngô lai… Với diện tích đất trống, địa phương đã khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi qua các loại rau thời vụ nhưng trước mắt vẫn cần đợi nguồn vốn ngân sách để xây dựng trạm bơm và các mô hình cây trồng mới nhằm sản xuất trên những cánh đồng tập trung.

Theo ông Lê Thanh Chương, huyện đã thành lập Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và Ban chỉ đạo Đề án. Trọng tâm của việc chuyển đổi là thay đổi cơ cấu giống, mùa vụ, áp dụng các giống mới và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất chuyên canh mang tính hàng hóa… Thời gian tới huyện sẽ tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện theo Đề án, mở rộng diện tích một số cây trồng thử nghiệm cho năng suất cao nhằm thay thế cây thuốc lá.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.