Những "lỗ hổng" trong quản lý, khai thác khoáng sản (Kỳ 1)
Kỳ 1: Nhức nhối hoạt động khai thác cát
Việc khai thác cát ồ ạt trên nhiều dòng sông trong thời gian qua đang để lại nhiều hệ lụy như làm phá vỡ đệm cát đáy sông được hình thành từ hàng trăm năm, gây ra hiện tượng xói lở bờ, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ...
Nhiều sai phạm
Phòng Tài Nguyên – Môi trường huyện Krông Bông cho biết, trên sông Krông Bông và Krông Ana, đoạn chảy qua địa phận huyện Krông Bông có 5 doanh nghiệp (DN) được UBND tỉnh quy hoạch, cấp phép hoạt động khai thác cát. Trên dòng Krông Ana có HTX Giang Sơn được cấp phép khai thác chiều dài 4 km tại xã Yang Reh; công ty TNHH Hưng Vũ được cấp phép khai thác chiều dài 25 km, thời hạn 19 năm tại xã Yang Reh, Ea Trul, Hòa Sơn, Hòa Tân; Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Tây Nguyên được cấp phép khai thác 27 km với thời hạn 23 năm. Trên dòng Krông Bông có Công ty TNHH xây dựng Trí Đức được cấp phép khai thác với chiều dài 12 km tại địa bàn xã Hòa Lễ, Hòa Phong; Công ty TNHH xây dựng Ngọc Hùng Đắk Lắk với chiều dài khai thác được cấp phép 12 km tại xã Hòa Phong. Trong số 5 DN được cấp phép, 1 đơn vị đã bị UBND tỉnh thu hồi giấy phép là Công ty CP VLXD Tây Nguyên vì lý do DN không quản lý được mỏ, để một số tổ chức, cá nhân hoạt động trái phép gây ảnh hưởng đến cầu Cư Păm và sạt lở bờ sông. Cũng theo chính quyền địa phương nơi đây cho biết, việc quản lý hoạt động khai thác của các DN này gặp rất nhiều khó khăn, vì 3 DN được cấp phép thì 2 DN có trụ sở đóng tại huyện khác và cả 3 DN đều có ranh giới khai thác chung trên địa bàn 2 huyện. Như Công ty TNHH xây dựng Ngọc Hùng Đắk Lắk được cấp phép từ tháng 8-2016, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xây dựng cơ bản mỏ, cắm mốc khu vực được phép khai thác, chưa tiến hành đăng ký thời gian hoạt động. Chính vì vậy việc kiểm tra, xử lý các tàu khai thác trái phép gặp nhiều trở ngại. Trong thời gian qua, UBND huyện chỉ bắt và xử phạt đối với 1 trường hợp là Công ty TNHH Hưng Vũ khai thác cát trái phép trong phần đất sản xuất của người dân địa phương…
Đoạn sông ở xã Ea Ô (Ea Kar) bị sạt lở do hoạt động khai thác cát. |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 18 đơn vị được cấp phép khai thác cát xây dựng còn hiệu lực, tập trung chủ yếu ở các sông lớn như: Krông Nô, Krông Ana, Krông Pắc và một phần sông Krông Năng, Ea H’leo. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên – Môi trường, hoạt động của các DN còn nhiều tồn tại, sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản. Phần lớn các đơn vị không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ, chưa đăng ký để được cấp sổ chủ nguồn thải, chất thải nguy hại; sử dụng đất nông nghiệp làm bãi tập kết cát khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; thực hiện không đầy đủ các chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ; tàu khai thác không gắn bảng hiệu, bảng tên... gây khó khăn cho công tác quản lý.
Và những hệ lụy
Hoạt động khai thác cát ồ ạt trong thời gian qua đã tác động xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của dòng sông, trong đó có tình trạng sạt lở. Theo UBND huyện Krông Bông, trên sông Krông Ana qua địa phận huyện có 1 điểm sạt lở, có chiều dài 500 m, trên sông Krông Bông có 3 điểm với tổng chiều dài 4.421 m. Mặc dù các điểm này đã được UBND tỉnh khoanh định khu vực cấm khai thác nhưng qua phản ánh của UBND cấp xã và người dân địa phương thì vẫn diễn ra tình trạng các tàu khai thác tại các vị trí trên, không chấp hành quy định về thời gian hoạt động và gắn bảng tên, bảng hiệu tàu thuyền. Hơn nữa, trong quá trình hoạt động, các DN đã không quản lý được mỏ, để một số tổ chức cá nhân khai thác trái phép trong vực mỏ đã cấp phép cho các DN. Tại đoạn sông Krông Bông đã được cấp phép cho Công ty TNHH xây dựng Ngọc Hùng Đắk Lắk, qua rà soát sơ bộ đã có 2,9 ha đất bị sạt lở, có vị trí sạt lở vào đường giao thông nông thôn, tỉnh lộ 12 và cầu treo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.
Các tàu hút cát của Công ty TNHH khai thác cát Đoàn Kết trên sông Krông Pắc đoạn qua xã Ea Ô (Ea Kar). |
Tại huyện Ea Kar, qua kiểm tra dọc sông Krông Pắc được UBND tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty TNHH khai thác cát Đoàn Kết và Công ty TNHH đầu tư xây dựng và dịch vụ MJ cho thấy xuất hiện nhiều điểm sạt lở dọc 2 bên bờ sông và diện tích đất nông nghiệp của một số hộ dân. Đối với tuyến sông đi qua địa bàn xã Ea Ô được cấp phép khai thác cho công ty Đoàn Kết, tại thời điểm rà soát xác định 5 điểm sạt lở với tổng chiều dài 2.600 m dọc 2 bên bờ sông và 1.786,5 m2 đất nông nghiệp tại thôn 2A. Còn với tuyến sông qua xã Cư Bông và Cư Yang được cấp phép khai thác cho công ty MJ, tại thời điểm kiểm tra có 3 điểm sạt lở với tổng chiều dài 250 m.
Theo ông Phùng Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô, DN sử dụng tàu công suất lớn hút cát không tránh khỏi sai phạm, dù hút ngay giữa lòng sông thì phía thượng nguồn, lượng cát chảy về không thể kịp bù đắp lượng cát thiếu hụt, chắc chắn 2 bên bờ sẽ bị sạt xuống, chưa kể người khai thác cát có thể vi phạm quy định, chọc vòi sang 2 bên bờ sông, tạo ra các lỗ hổng kiểu hàm ếch hoặc như giếng lở. Bên cạnh đó, việc khai thác cát bắt buộc phải làm bến bãi nên sẽ phá hủy thảm thực vật trên bờ sông, đồng thời mất đi mái tả luy dọc sông, khi mưa ngập gây sạt lở dọc sông, ảnh hưởng đến diện tích sản xuất của người dân. Thêm vào đó, môi trường bị ảnh hưởng, đường giao thông nông thôn bị phá hủy do DN sử dụng xe có trọng tải lớn, chở quá trọng tải trong quá trình vận chuyển.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên – Môi trường, trên sông Krông Ana chảy qua địa bàn huyện Krông Bông, Cư Kuin, Lắk, Krông Ana có 19 đoạn với tổng chiều dài sạt lở 9.240 m; trên sông Krông Bông có 4 đoạn sạt lở với tổng chiều dài 4.421 m; sông Krông Nô chảy qua địa phận huyện Krông Ana có 2 đoạn sạt lở với tổng chiều dài 1.950 m. Nếu thiếu biện pháp xử lý kiên quyết cũng như giải pháp phục hồi sẽ gây mất an toàn trong mùa mưa lũ.
(Còn nữa)
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc