Những "lỗ hổng" trong quản lý, khai thác khoáng sản (Kỳ 2)
Kỳ 2: Áp lực đè nặng lên môi trường
Tuy chưa xảy ra các sự cố nghiêm trọng, nhưng hoạt động khai thác cát nói riêng và khoáng sản nói chung ở tỉnh ta đã có ảnh hưởng nhất định đến môi trường cảnh quan cũng như môi trường sống của người dân xung quanh khu vực khai thác; việc phục hồi vẫn còn bị xem nhẹ, chưa được doanh nghiệp (DN) cũng như địa phương quan tâm; thất thoát thuế tài nguyên ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Doanh nghiệp ký quỹ phục hồi môi trường còn thấp
Qua kết quả thanh tra của Sở Tài nguyên – Môi trường (TN&MT) cho thấy, về cơ bản các DN đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan đến trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc chấp hành trong thực tế phần lớn đều không nghiêm túc như thực hiện chưa đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ; việc báo cáo thông tin, số liệu về hoạt động chất thải còn chung chung, chưa phản ánh đúng thực tế về tình hình hoạt động của DN... Đáng chú ý là hiện nay có nhiều dự án khai thác khoáng sản được cấp phép với diện tích lớn, thời gian khai thác dài, nhưng số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trước đây được phê duyệt thấp, đã vậy, DN cũng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình về vấn đề này. Cụ thể, Công ty TNHH Hưng Vũ được cấp phép khai thác cát trên sông Krông Ana (Cư Kuin, Krông Bông) với tổng chiều dài 25 km, thời gian 19 năm, nhưng tổng số tiền ký quỹ chỉ trên 188 triệu đồng, bình quân 9,8 triệu đồng/năm. Hay như Công ty TNHH Xuân Bình có mỏ cát ở sông Krông Nô, xã Ea R’bin (Lắk), có chiều dài được cấp phép 25 km, thời gian khai thác 30 năm, nhưng tổng số tiền ký quỹ chỉ 6,185 triệu đồng; Công ty TNHH Phú Bình, có tổng chiều dài sông được cấp phép khai thác 7,8 km, thời gian 12 năm, nhưng tiền ký quỹ chỉ thực hiện 5,257 triệu đồng; HTX Giang Sơn có mỏ cát khai thác ở sông Krông Ana với tổng chiều dài được cấp phép 6 km, thời gian 7 năm, nhưng tổng số tiền ký quỹ cũng chỉ 18,698 triệu đồng… Đến nay, tổng số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt trên 4 tỷ đồng, nhưng các DN chỉ mới thực hiện 1,687 tỷ. Nguồn kinh phí này quá thấp, gần như không thể nào đủ để thực hiện các biện pháp, cải tạo, phục hồi môi trường.
Thất thoát nguồn thu
Tổng trữ lượng cát xây dựng trong toàn tỉnh đã được các đơn vị điều tra, đánh giá tại 19 điểm mỏ với trữ lượng trên 9,8 triệu m3. Các mỏ được cấp phép đều thuộc quy mô vừa và nhỏ. Trong đó, sản lượng cát hằng năm (được tỉnh cấp phép cho 19 DN) vào khoảng hơn 500.000 m3. Tuy nhiên, theo số liệu kê khai thuế hằng năm của các đơn vị, sản lượng cát trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 170.000-200.000 m3/năm (chỉ bằng 30-40% sản lượng cho phép). Cụ thể, năm 2012, tổng sản lượng khai thác 102.613 m3; năm 2013 là 214.711 m3; năm 2014 khoảng 164.769 m3; năm 2015 đạt 206.321 m3; năm 2016 giảm còn 162.021 m3. Nguồn thu thuế tài nguyên qua các năm chỉ dao động 1,4 tỷ đồng – 5,5 tỷ đồng. Theo Cục Thuế tỉnh nguồn thu từ hoạt động này bị thất thu rất lớn, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào chủ trì để xử lý.
Hoạt động khai thác cát gần cầu Cư Păm (Krông Bông) đã bị cơ quan chức năng đình chỉ vì gây sạt lở bờ sông. |
Qua đợt kiểm tra mới đây của ngành chức năng, phát hiện tình trạng HTX Giang Sơn được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát tại khu vực sông Krông Ana trên diện tích khai thác 27,05 ha, có chiều dài dọc sông 6 km với công suất 25.000 m3/năm nhưng lại để cho HTX khai thác cát Nam Sơn khai thác trên diện tích mà mình được cấp phép. Việc 2 HTX “bắt tay” nhau trong việc khai thác cùng một giấy phép dẫn đến tình trạng các khoản chi phí thì được chia đều cho các đầu tàu, nhưng về thuế thì HTX Nam Sơn ... không đóng! Thêm vào đó, số lượng tàu hoạt động khai thác của đơn vị này nhiều hơn số lượng tàu đã đăng ký với Sở TN&MT, nhưng sản lượng (đơn vị này báo cáo hằng năm) chỉ bằng 40-50% so với công suất được phê duyệt. Cũng theo nhận định của cơ quan thuế, mặc dù các DN đã có cam kết về thời gian khai thác từ 6 giờ sáng đến 18 giờ hằng ngày nhưng tình trạng khai thác, vận chuyện cát ban đêm vẫn diễn ra phổ biến. Ngoài ra, còn có thêm tình trạng tàu hút cát không đăng ký biển số chủ yếu là của các hộ dân cũng gây khó khăn cho công tác quản lý, dẫn đến thất thoát nguồn thu.
Những nguy cơ luôn hiện hữu
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 50 tổ chức DN có đủ phương tiện đơn giản phù hợp phục vụ khai khoáng lộ thiên. Tuy nhiên, công tác thăm dò đánh giá trữ lượng, chất lượng khoáng sản chưa được đầu tư đúng mức, chủ yếu tự mua thiết bị thăm dò khai thác các loại làm vật liệu xây dựng thông thường như đá, cát xây dựng, sét (sản xuất gạch) và than bùn khiến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn... luôn hiện hữu trong hoạt động khai khoáng hiện nay. Theo Sở Giao thông Vận tải, việc quản lý các phương tiện hút, chở cát đang hoạt động trên các dòng sông vẫn là bài toán khó. Bởi đa số các phương tiện này đều tự đóng, không có bản vẽ thiết kế, khó bảo đảm an toàn kỹ thuật nên sự cố rò rỉ dầu mỡ ra môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước mặt là không tránh khỏi.
Đối với hoạt động khai thác đá xây dựng, chủ yếu sử dụng phương pháp bóc tầng có sử dụng nhiều loại máy móc, xe vận chuyển và vật liệu nổ công nghiệp, nên trong quá trình khai thác luôn gây chấn động, tiếng ồn. Đất, đá thải loại trong quá trình khai thác cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tác động cộng hưởng về phát thải bụi từ các mỏ, làm suy giảm môi trường không khí. Còn hoạt động khai thác đất sét có tình trạng không theo quy hoạch, thiết kế, độ sâu không đồng đều, hoàn trả mặt bằng chậm... Tuy việc phục hồi môi trường sau khi kết thúc hoạt động khai khoáng có thực hiện, nhưng phần lớn chưa đạt yêu cầu nên để lại những thửa ruộng có độ cao không đồng đều, địa hình trũng, gây ngập úng khó khăn cho việc canh tác của người dân.
Mặc dù UBND tỉnh và cơ quan quản lý yêu cầu các đơn vị lập báo cáo giám sát định kỳ về môi trường theo quy định nhưng phần lớn không chấp hành đầy đủ. Trong quá trình khai thác, có không ít DN tăng công suất để phục vụ thi công, phát sinh nhiều bụi, tiếng ồn, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Cụ thể như Công ty TNHH XD TM và DV Tân Thành Đạt, quá trình khai thác, vận chuyển đá phục vụ thi công tuyến đường Hồ Chí Minh đã gây ô nhiễm tiếng ồn, bụi gây bức xúc cho người dân ở thị trấn Ea Drăng (Ea H’leo). Nghiêm trọng hơn là đã có sự cố trong việc nổ mìn khai thác đá của Công ty An Nguyên tại mỏ đá Ea Tul, xã Ea Kpam (Cư M’gar) gây nứt nhà của một số hộ dân sống xung quanh khu vực này...
(Còn nữa)
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc