Những "lỗ hổng" trong quản lý, khai thác khoáng sản (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm*
Trước thực trạng hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đã triển khai nhiều giải pháp, từng bước lập lại trật tự lại trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Ngọc Duẩn, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Ea Kar cho biết, những tháng đầu năm 2017, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện tập trung kiểm tra, giám sát đối với hoạt động khai khoáng trên địa bàn; chấn chỉnh, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm của doanh nghiệp (DN). Đối với những sai phạm của Công ty TNHH Đoàn Kết (được cấp phép khai thác với diện tích 33,5 ha, có chiều dài 20 km dọc sông Krông Pắc thuộc địa phận xã Ea Ô) và Công ty TNHH đầu tư xây dựng và dịch vụ MJ (được cấp phép khai thác với diện tích 6,347 ha, có chiều dài 18 km dọc sông Krông Pắc thuộc địa phận xã Cư Yang và Cư Bông) đã để xảy ra tình trạng sạt lở 2 bên bờ sông, ảnh hưởng đến công trình cầu cống, diện tích sản xuất của người dân, công trình giao thông…, huyện đã đề nghị tỉnh kiên quyết xử lý, xem xét điều chỉnh giấy phép khai thác cả về quy mô và thời gian cấp phép. Nhằm bảo đảm an toàn hành lang cầu, cống tại khu vực khai thác cát, huyện cũng đề nghị tỉnh điều chỉnh lại khoảng cách tối thiểu từ cầu đến điểm khai thác là 1km.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, với việc UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc kiên quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm, cơ bản đã ngăn chặn kịp thời hoạt động khai khoáng trái phép, ổn định an ninh trật tự tại các địa phương. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để, việc khoanh định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khai khoáng còn chậm; chưa thực hiện được việc đăng ký, đăng kiểm đối với các tàu thuyền chuyên dụng trong khai thác, vận chuyển cát…
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải kiểm tra bãi tập kết cát dưới chân cầu Giang Sơn. |
Tại cuộc họp bàn về công tác quản lý khai khoáng trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì vào ngày 12-5 vừa qua, đã có nhiều nhóm giải pháp được đề ra nhằm thiết lập lại trật tự mới trong hoạt động khai khoáng.
Đại diện lãnh đạo huyện Cư Kuin đề nghị tỉnh xem xét điều chỉnh lại giấy phép đối với DN không đủ năng lực; thu hẹp phạm vi cũng như rút ngắn bớt thời gian cấp giấy phép; quy hoạch lại, di dời các bãi tập kết cát gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Huyện Krông Bông cũng đề nghị, cương quyết thu hồi giấy phép đối với những đơn vị không thực hiện ký quỹ bảo vệ, phục hồi môi trường; tăng cường thanh tra, rà soát lại năng lực của DN, không để tái diễn tình trạng DN cho đơn vị khác thuê lại mỏ để khai thác khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép; chú trọng công tác kiểm định tàu thuyền hút cát. Để chống thất thu, ngành Thuế cũng đề xuất một số giải pháp: rà soát lại toàn bộ các đơn vị đang hoạt động khai thác, yêu cầu báo cáo số lượng tàu, xe, mức độ khai thác. Nếu đơn vị nào không khai thác hết công suất thì có thể điều chỉnh lại giấy phép, chuyển sang cho đơn vị có nhu cầu; cấm lưu hành những tàu không đăng ký biển kiểm soát; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình...
Ý kiến một số sở, ngành nên bấm lỗ đối với giấy phép khai thác cát của DN vi phạm không quản lý tốt mỏ để tình trạng khai thác trái phép xảy ra, không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước, khai thác không đúng quy định, gây sạt lở sông…, nếu bị bấm trên 3 lỗ thì sẽ bị thu hồi giấy phép...
Ông Hoàng Xuân Ngân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết, Sở đang chủ trì phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh bớt phần diện tích của Công ty TNHH Hưng Vũ cho HTX khai thác cát Nam Sơn để giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép và bảo đảm đời sống của xã viên, bởi đây là nghề mưu sinh đã gắn bó lâu đời với người dân nơi đây.
Trên cơ sở đề xuất của các huyện, Sở tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, thu hồi giấy phép đối với những đơn vị để xảy ra tình trạng khai thác trái phép, bơm hút cát gây sạt lở bờ sông. Đồng thời, tiến hành cắm mốc, điều chỉnh khu vực khai thác cát có liên quan đến cầu đối với các đơn vị: Công ty TNHH khai thác cát Đoàn Kết, MJ (Ea Kar); Hà Bình, Trí Đức (Krông Pắc); DN tư nhân vật liệu xây dựng Sông Núi (Krông Ana); Ngọc Hùng, Hưng Vũ (Krông Bông).
Riêng đối với giấy phép của HTX Giang Sơn đến hết năm 2017 sẽ chấm dứt không cho phép gia hạn khai thác; yêu cầu các đơn vị lắp đặt camera giám sát tại bãi tập kết cát để giám sát sản lượng tiêu thụ...
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc