Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Ea Kuếh thu nhập khá từ trồng rau xanh

21:58, 26/05/2017

Trong những năm qua, bên cạnh việc trồng các cây công nghiệp, nhiều nông dân xã Ea Kuếh (huyện Cư M’gar) đã chú trọng mở rộng diện tích rau xanh nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình và bán ra thị trường. Thu nhập từ cây rau đang từng bước nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.

Những ngày này, gia đình anh Lê Đức Hường (thôn Thác Đá) đang tập trung làm đất cho vụ rau mới. Anh Hường bắt đầu trồng rau từ năm 2012, với diện tích 4.000 m2, gồm các loại rau như: dưa leo, bắp cải, su hào… Đây là các loại rau củ có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng. Các loại rau được anh canh tác hợp lý, tùy theo nhu cầu của thị trường mà trồng nhiều hay ít.

Là người ham học hỏi và nhạy bén, anh Hường đã kịp thời nắm bắt và áp dụng tốt công nghệ khoa học tiên tiến vào thực tế sản xuất. Anh là một trong những hộ đầu tiên trong thôn Thác Đá triển khai xây dựng hệ thống tưới nước phun sương vào trồng rau. Nhờ áp dụng công nghệ này, anh không chỉ tiết kiệm được nguồn nước tưới và nhân công lao động mà còn hạn chế được số cây bị dập, hao hụt khi tưới nước bằng biện pháp truyền thống, từ đó nâng cao được hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận cho gia đình.

Từ trồng rau, nhiều nông dân trên địa bàn xã Ea Kuếh đã có nguồn thu nhập ổn định.
Từ trồng rau, nhiều nông dân trên địa bàn xã Ea Kuếh đã có nguồn thu nhập ổn định.

Hiện nay, mỗi năm anh Hường xuất bán ra thị trường hàng chục tấn rau các loại, giá cả tùy thuộc vào sự biến động của thị trường đối với từng loại sản phẩm, song trừ hết chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình anh có lãi khoảng 100 triệu đồng. Đây là nguồn thu không nhỏ đối với người nông dân, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn như xã Ea Kuếh…

Tương tự, gia đình anh Hán Văn Ngân (thôn Thác Đá) cũng có thu nhập khá từ trồng rau xanh. Năm 2016, trên diện tích 800 m2 đất thuê từ một người dân trong thôn, anh Ngân đã mạnh dạn đưa cây dưa leo và đậu cove vào trồng, đồng thời xen thêm rau cải ở những khoảng đất trống. Dù diện tích trồng rau không lớn nhưng cũng đem đến cho gia đình anh Ngân nguồn thu nhập gần 30 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí đầu tư… Anh Ngân cho biết: “Nhờ trồng rau, gia đình tôi có được nguồn thu nhập khá mà nếu trồng các loại cây khác thì khó có thể đạt được trên diện tích như vậy. Năm nay, gia đình tôi đã tăng quy mô sản xuất rau xanh lên 2.000 m2”.

Hiện nay, Ea Kuếh đã hình thành một vùng sản xuất rau chuyên canh với diện tích hơn 10 ha, tập trung chủ yếu tại thôn Thác Đá và thôn 15. Theo người dân nơi đây, nghề trồng rau xanh ở xã Ea Kuếh đã hình thành từ nhiều năm trước nhưng những năm gần đây mới phát triển mạnh. Nếu như trước đây bà con chỉ trồng với diện tích nhỏ lẻ, chủ yếu để cung cấp thực phẩm cho gia đình thì đến nay nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích canh tác cà phê, hoa màu khác… kém hiệu quả để phát triển trồng rau theo hướng chuyên canh. Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rau nên năng suất cao hơn nhiều. Nhờ trồng rau, nhiều hộ nông dân đã có cuộc sống ổn định, thậm chí vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá, giàu ở địa phương.

Trung Dũng 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.