Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nóng hồ tiêu ở Krông Năng: Đối mặt với nhiều nguy cơ

08:29, 12/05/2017

Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng cho biết, những năm gần đây, diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện Krông Năng phát triển khá nhanh, chủ yếu là do chuyển đổi từ diện tích cà phê già cỗi, năng suất kém. Tuy nhiên, cũng có nhiều người dân phá bỏ cà phê đang cho năng suất ổn định để trồng hồ tiêu.

Tính đến cuối năm 2016, toàn huyện có trên 4.250 ha hồ tiêu, tăng hơn 1.191 ha so với năm 2015. Trong đó, các xã có diện tích hồ tiêu tăng mạnh là Ea Tân (tăng 266 ha), Ea Hồ (142 ha), Ea Tam (138 ha), Phú Xuân (119 ha), Tam Giang (104 ha), và Ea Toh (103 ha)… 

Vườn tiêu của một gia đình ở huyện Krông Năng bị nhiễm bệnh chết.
Vườn tiêu của một gia đình ở huyện Krông Năng bị nhiễm bệnh chết.

Gia đình anh Nguyễn Tấn Hoàng (thôn Tân Hà, xã Ea Toh), chặt bỏ gần 1 ha cà phê để chuyển sang trồng tiêu. Anh Hoàng cho biết, với 1 ha cà phê, mỗi năm đạt 3 – 5 tấn cà phê nhân xô, sau khi trừ các chi phí, anh thu về khoảng 120 triệu đồng. Trong khi đó, 1 ha tiêu kinh doanh, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 5 tấn, thu về hơn 700 triệu đồng, vì vậy anh quyết định chuyển đổi hết diện tích cà phê của gia đình sang trồng hồ tiêu. Còn ở xã Ea Tân, hiện có hơn 300 ha đất được người dân chuẩn bị trồng mới cây hồ tiêu. Gia đình anh Nguyễn Văn Huy (thôn Đoàn Kết) đang phá bỏ dần 1 ha cà phê kinh doanh để trồng tiêu. Theo anh Huy, lẽ ra khi chuyển sang trồng loại cây khác phải cải tạo đất, nhưng do thấy hồ tiêu cho thu nhập cao nên sau khi phá bỏ cà phê anh đã trồng ngay cây hồ tiêu mà không qua khâu cải tạo đất.

Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu của huyện Krông Năng là 2.300 ha, nhưng đến cuối năm 2016, toàn huyện đã có trên 4.250 ha, dự kiến trong 3 năm tới, diện tích hồ tiêu của huyện sẽ còn vượt xa con số này.

Những hệ lụy

Nhiều gia đình tự ý chặt bỏ cà phê để trồng hồ tiêu mà chưa nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc, chọn giống, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện đã không tránh khỏi ảnh hưởng xấu đến năng suất, chất lượng về sau. Và thực tế đến cuối năm 2016, toàn huyện đã có trên 41 ha hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Gia đình ông Vũ Văn Ngọc (thôn Tân Yên, xã Ea Toh) đã chặt bỏ gần 5 sào cà phê kinh doanh để trồng hồ tiêu, trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, gia đình ông trồng xen cây chanh dây để cải thiện kinh tế. Tuy nhiên, do không cải tạo đất, không đào rãnh thoát nước… nên tiêu của gia đình ông bị nhiễm sâu bệnh, vàng lá, trắng lá rồi chết gần hết chỉ còn lại cây chanh dây! Hiện, cà phê đã bị chặt bỏ, hồ tiêu không có để thu hoạch nên gia đình lại lâm vào cảnh khó khăn.

Vườn tiêu của ông Nguyễn Văn Huy, thôn Đoàn Kết, xã Ea Tân (Krông Năng) bị nhiễm bệnh chết.
Vườn tiêu của ông Nguyễn Văn Huy, thôn Đoàn Kết, xã Ea Tân (Krông Năng) bị nhiễm bệnh chết.

Việc trồng tiêu ngoài quy hoạch còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển và sử dụng lâm sản trái phép để làm trụ trồng tiêu, tình trạng trộm cắp dây tiêu, nhiều hộ phá sản, nợ ngân hàng vì vườn cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết… Trong khi đó, giá tiêu đang giảm mạnh báo hiệu tương lai không mấy sáng sủa của cây hồ tiêu.

Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng khuyến cáo: Người dân không nên chặt phá cà phê đang cho năng suất thu hoạch trên 2 tấn/ha để trồng hồ tiêu với quy mô tập trung để hạn chế rủi ro, thiệt hại về kinh tế. Đối với các hộ có điều kiện, đủ khả năng trồng hồ tiêu thì chỉ nên trồng trên vườn cà phê già cỗi, không có khả năng phục hồi cần phải thanh lý, và phải phù hợp điền kiện thổ nhưỡng; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sản xuất, giống, thâm canh; chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh đầy đủ.

Dung Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.