Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Bao giờ thành hiện thực? (Kỳ 1)
Bắt đầu từ năm 2013, Đắk Lắk đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đến năm 2020, tuy nhiên, cho đến nay việc Phát triển nông nghiệp theo hướng này trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra khá chậm, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Kỳ 1: Chưa định hình rõ nét
Xét về tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) thì Đắk Lắk không hề thua kém các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và hiện có không ít mô hình, công trình nghiên cứu về nông nghiệp ứng dụng CNC mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, điều đáng nói là các mô hình này chủ yếu mang tính tự phát, không được triển khai một cách quy mô, bài bản.
Nhiều lợi thế
Đắk Lắk là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm 45,4%; giá trị sản xuất nông nghiệp luôn tăng trưởng khá, đặc biệt là nhóm cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, tiêu... và chiếm 50 - 60% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp, 96 - 98% tổng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho gần 60% lao động nông thôn.
So với các tỉnh Tây Nguyên thì Đắk Lắk có lợi thế rất lớn trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, không chỉ về đất đai, hạ tầng mà còn là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo và cơ quan nghiên cứu khoa học - công nghệ như: Trường Đại học Tây Nguyên, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI); có các mô hình sản xuất nông nghiệp lớn và đa dạng, có khả năng thử nghiệm và ứng dụng các kỹ thuật, CNC trong sản xuất nông nghiệp như: Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ. Đơn cử, về lĩnh vực cây cà phê, WASI đã nghiên cứu, lai tạo, tuyển chọn được bộ giống hoàn chỉnh gồm các dòng cà phê vối vô tính, cao sản: TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, đã được Bộ NN-PTNT công nhận và các dòng TR9,TR11, TR12, TR13 được công nhận tạm thời; năng suất cao từ 4 đến trên 6 tấn nhân/ha, chất lượng tốt, có cỡ hạt loại R1 trên 80%, có khả năng kháng cao với bệnh gỉ sắt, chín tập trung, thuận lợi cho thu hái, chế biến. Đồng thời nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc được các dòng cà phê vối chín muộn chuyển dần thời vụ thu hoạch cà phê vào đúng mùa khô, thuận lợi cho thu hái, phơi sấy… Bên cạnh đó, tỉnh còn có một số tiềm năng về nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm, lương thực…, các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực này từng bước được ứng dụng rộng rãi trong nhân dân, từ đó làm tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích mặt đất, mặt nước.
Mô hình trồng hoa lan theo công nghệ cao ở huyện Cư M’gar . |
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, thành tựu nổi bật nhất trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là việc nghiên cứu và chuyển giao các giống mới ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh, chịu khô hạn, có năng suất cao và chất lượng tốt cho sản xuất thâm canh; xác định được các bộ giống thích hợp từng vùng sinh thái để phát huy hiệu quả sản xuất, hạn chế thấp nhất sự tác động xấu đến môi trường sinh thái…
Phát triển manh mún
Với những lợi thế trên, trong những năm qua phát triển nông nghiệp của tỉnh đã có những chuyển biến rất tích cực, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình ứng dụng CNC như tưới nước tiết kiệm cho cà phê, tiêu, cây ăn trái; trồng rau, củ, quả trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi, xử lý chất thải, sâu bệnh, nhân giống; nuôi heo theo công nghệ lạnh…Đơn cử như trên địa bàn huyện Cư Kuin đã triển khai nhiều mô hình sản xuất ứng dụng CNC để chuyển giao và nhân rộng. Chỉ tính riêng cà phê, từ năm 2010 đến nay huyện đã có khoảng 4.000 ha (toàn huyện có 13.000 ha) được tái canh các giống mới có năng suất, chất lượng cao. Đến nay, Cư Kuin có trên 3.000 ha cà phê được sản xuất theo hướng bền vững có chứng nhận 4C, UTZ… Theo ông Hồ Sỹ Nguyên, Trưởng Phòng NN-PTNT, hằng năm, ngành Nông nghiệp huyện Cư Kuin đã tổ chức từ 15-16 mô hình sản xuất ứng dụng CNC, mỗi mô hình thu hút từ 150- 200 hộ dân tham gia học tập kinh nghiệm. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng 300 mô hình sản xuất cây trồng được ứng dụng khoa học CNC, tăng thu nhập khoảng 30- 50% so với cách làm cũ, bình quân khoảng 100- 300 triệu đồng/mô hình.
Mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây bưởi ở huyện Cư M’gar. |
Hay như Cư M’gar, là huyện đi đầu trong việc thí điểm mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp, huyện đang đưa vào thực nghiệm các loại cây trồng, nhưng đáng chú ý hơn là trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình tưới nước tiết kiệm cho cà phê do người dân tự đầu tư mang lại hiệu quả cao như mô hình gia đình bà Nguyễn Thị Thái Hà ở thị trấn Quảng Phú. Với tổng diện tích sản xuất 22 ha, xen canh bơ, tiêu, cà phê, bưởi, sầu riêng…, gia đình bà đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel, với chi phí 50 triệu đồng/ha.
Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC tiêu biểu, tuy nhiên quy mô và mức đầu tư còn rất hạn chế nên chưa tạo được sự chú ý cũng như thu hút được doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vốn, kỹ thuật để sản xuất kinh doanh những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao.
CNC trong nông nghiệp được hiểu là áp dụng một cách hợp lý các kỹ thuật tiên tiến nhất trong việc chọn, lai tạo ra giống cây trồng vật nuôi mới; chăm sóc nuôi dưỡng cây, con bằng thiết bị tự động, điều khiển từ xa; sản xuất, chế biến phân hữu cơ vi sinh cho cây trồng, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy hải sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ tự động trong tưới tiêu... Trong đó, công nghệ sinh học đóng vai trò chủ đạo. |
Minh Thuận - Lê Thành
Ý kiến bạn đọc