Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Bao giờ thành hiện thực? (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Cần tạo bước đột phá
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp hiện nay. Chính vì vậy Đắk Lắk cần sớm xây dựng lộ trình để hiện thực hóa các mục tiêu trong Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020
Hướng đi đã mở
Để cởi trói cho việc thực hiện nông nghiệp CNC, UBND tỉnh vừa có Quyết định 421/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch triển khai Đề án nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020. Nội dung Quyết định nêu rõ những việc cần làm và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành liên quan, trong đó tập trung nghiên cứu, phát triển CNC trong nông nghiệp (cây, con giống; phòng trừ dịch bệnh; ứng dụng quy trình công nghệ; chế biến, bảo quản…); xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng CNC; tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực (cà phê, tiêu, bơ, ong mật,…); phát triển DN nông nghiệp ứng dụng CNC. Tổng vốn đầu tư 546 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 165 tỷ đồng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ sản xuất giống, chuyển giao công nghệ; vốn ngân sách tỉnh là 201 tỷ đồng, đầu tư hạ tầng các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh; vốn khác là 180 tỷ đồng.
Mô hình nuôi heo theo công nghệ Nhật Bản ở TP. Buôn Ma Thuột. |
Cùng với đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có yêu cầu nâng gói hỗ trợ đầu tư nông nghiệp CNC từ 60.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng và giao cho Ngân hàng Nhà nước xây dựng gói tín dụng; hướng dẫn và chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn để cho vay với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Bộ NN-PTNT cũng đã có Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, danh mục CNC ứng dụng trong nông nghiệp. Điều này đã mở ra hành lang pháp lý cho người dân, DN xác định được mô hình nông nghiệp CNC để tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về Chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó hướng mạnh vào nhiều ưu đãi cho các DN ứng dụng CNC với mức hỗ trợ thấp nhất là 200 triệu đồng, cao nhất là 10 tỷ đồng…
Đây là thời cơ và điều kiện rất thuận lợi để Đắk Lắk triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 421 của UBND tỉnh. Theo ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, Quyết định của UBND tỉnh đã nêu hết sức rõ ràng, vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện. Việc cần làm trước mắt là sớm thành lập Ban chỉ đạo, có con người cụ thể để tiến hành tổ chức đánh giá ngay thực trạng nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng có những chính sách đặc thù nông nghiệp CNC, xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp CNC…
Tiến tới xây dựng khu nông nghiệp CNC
Trong danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư trên địa bàn Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 xác định, lĩnh vực nông nghiệp có 4 khu nông nghiệp ứng dụng CNC, gồm: xã Ea Kpam, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar), xã Ea Tu, Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột). Trong đó, đáng chú ý là huyện Cư M’gar đã tiên phong trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, huyện đã xây dựng một Nghị quyết chuyên đề về Phát triển nông nghiệp chất lượng cao, bền vững giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn huyện khoảng 1.000 ha, trong đó, xây dựng 2 khu nông nghiệp ứng dụng CNC khoảng 190 ha và thành lập Ban quản lý là đầu mối kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất kết hợp với phân phối, bao tiêu sản phẩm. Hiện nay về mặt bằng cơ bản đã chuẩn bị xong, huyện đang kêu gọi các DN đến tìm hiểu và đầu tư.
Mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây tiêu ở huyện Cư M’gar. |
Theo Sở NN-PTNT, cần xác định việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là một cuộc cách mạng lớn của tỉnh, sẽ có bước nhảy vọt trong việc nâng cao thu nhập trên một héc-ta đất, góp phần vào tái cơ cấu ngành. Vì vậy, ngoài việc xây dựng, kêu gọi đầu tư khu nông nghiệp CNC thì việc cần làm trước mắt là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp và nông dân. Thực tế, việc tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ đối với nông dân Đắk Lắk không phải là khó, vấn đề là tổ chức thực hiện. Tùy từng đối tượng mà có những chính sách đào tạo phù hợp, trong đó, tận dụng các chuyên gia đầu ngành ở các viện, trường; các DN lớn trong quá trình làm họ sẽ mời các cố vấn hướng dẫn, tập huấn cho nông dân… Con đường đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực này phù hợp với thực tiễn và dễ chấp nhận hơn trong điều kiện kinh phí tỉnh không có nhiều.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng Dương, Phó giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại cám FUKOKU Tây Nguyên cho biết, DN đang hướng tới chăn nuôi heo theo công nghệ cao, cụ thể là nuôi heo theo công nghệ cám men vi sinh của Nhật Bản. Hiện tại, công ty có một trang trại với 200 con heo, qua gần 1 năm nuôi thử nghiệm bằng loại cám này đã cho chất lượng thịt rất ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đáng mừng là công ty đã đem mẫu thịt qua bên Nhật Bản để đối tác kiểm tra và đã đạt yêu cầu bên họ. Hiện công ty đang hướng đến khu nông nghiệp CNC ở huyện Cư M’gar để mở rộng quy mô nhằm đáp ứng yêu cầu thịt xuất khẩu sang bên Nhật và cung ứng thực phẩm sạch cho thị trường trong nước. |
Minh Thuận - Lê Thành
Ý kiến bạn đọc