Multimedia Đọc Báo in

Sau "lệnh cấm" của UBND huyện Krông Ana: Hoạt động khai thác đất sét vẫn diễn ra rầm rộ

10:41, 26/05/2017

Bất chấp quy định tạm ngừng hoạt động khai thác đất sét, một số cơ sở sản xuất gạch ở xã Ea Bông (huyện Krông Ana) lợi dụng khi không có sự kiểm tra của cơ quan chức năng, lúc lén lút, lúc công khai cho máy đào múc đất sét trên các cánh đồng.

Năm 2015, UBND huyện Krông Ana đã có chỉ đạo UBND xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án cải tạo đồng ruộng khu vực khai thác đất sét để sản xuất nông nghiệp, đồng thời chỉ đạo các phòng, ban khác tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, vẫn còn một số đơn vị khai thác sét chưa đúng phương án phê duyệt như quá độ sâu, không đúng vị trí, chưa bảo đảm về quy trình cải tạo, phục hồi môi trường và trả lại mặt bằng sau khai thác. Thực tế, việc hạ độ sâu chân ruộng của các chủ cơ sở sản xuất gạch từ trước đến nay trên địa bàn huyện rất tùy tiện, có cơ sở đào khoét sâu từ 3-5 mét, không trả lại mặt bằng dẫn tới những chân ruộng biến thành ao, bỏ hoang hóa trong nhiều năm.

Mặt ruộng bị máy xúc đất ngoặm sâu hoắm.
Mặt ruộng bị máy xúc đất ngoặm sâu hoắm.

Ngày 19-4-2017, UBND huyện Krông Ana tiếp tục có văn bản số 284/UBND – TNMT về việc tạm ngừng hoạt động thu gom sét trên địa bàn huyện. Theo đó, các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện đã tiến hành cắm 20 biển “Khu vực cấm khai thác đất sét” tại một số cánh đồng ở xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp. Quy định là thế, song thực tế, khi không có sự kiểm tra của lực lượng chức năng, hoạt động khai thác đất sét vẫn diễn ra rầm rộ.

Trong những ngày có đoàn liên ngành của huyện ra quân kiểm tra tại các cánh đồng, hoạt động khai thác sét có vẻ im ắng. Tuy nhiên, hết giờ hành chính, chủ các cơ sở sở sản xuất gạch huy động  xe múc, xe chở đất khai thác hết công suất, đến sáng sớm hôm sau, cánh đồng bằng phẳng đã biến thành các hố sâu từ 1,5 mét trở lên, các tuyến đường cũng rơi vãi đầy đất sét.

Theo nguồn tin của một người dân địa phương, 15 giờ ngày 13-5-2017, chúng tôi có mặt tại cánh đồng xã Ea Bông, ngay sau các biển cấm được dựng lên rất rõ nội dung “Khu vực cấm khai thác đất sét”, các máy múc vẫn ngang nhiên đào, đổ đất vào xe và hoạt động hết công suất. Điều đáng ngạc nhiên, khu vực này chỉ cách trụ sở UBND xã chừng hơn 1 cây số. Tuy nhiên, khi phóng viên gọi điện báo sự việc, chính quyền địa phương vẫn thờ ơ, còn lãnh đạo Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Krông Ana thì cho biết, vào các ngày nghỉ trong tuần, Phòng đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn liên quan thực hiện việc kiểm tra tình hình khai thác sét tại địa bàn mình quản lý!

Máy múc ngang nhiên xúc đất sét sau biển cấm.
Máy múc ngang nhiên xúc đất sét sau biển cấm.

Trước ống kính của phóng viên, chừng 30 phút sau, các máy xúc và xe chở đất tự động rút lui khỏi khu vực đang khai thác và đậu gần đó đợi khi không có lực lượng chức năng và phóng viên thì di chuyển về địa điểm cũ để tiếp tục khai thác. Không nằm ngoài dự đoán, khoảng 16 giờ 45, khi nhóm phóng viên rời khỏi hiện trường, đến khoảng 18 giờ cùng ngày, các máy xúc đất trở lại vị trí cũ tiếp tục khai thác đất sét.

Một người dân buôn Sah (xã Ea Bông) cho hay, các ngày hành chính (từ thứ 2 đến thứ 6) từ sau 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm, các xe tải, xe ben nối đuôi nhau, thùng đầy ắp đất di chuyển về các cơ sở sản xuất gạch. Khoảng tầm 5 – 10 phút lại có 1 chuyến xe quay đầu đi ra, toàn bộ cánh đồng buôn Sah sáng rực ánh đèn ôtô, đèn máy múc đất. Còn ngày thứ bảy và chủ nhật, ngay từ sáng sớm, trên cánh đồng buôn M’Blớt và buôn Sah, có ít nhất 3 điểm khai thác sét trái phép, mỗi nơi huy động đến 2 chiếc máy múc, 5 – 7 ôtô chở đất ra vào liên tục trên các đường nội đồng, rồi di chuyển về theo hướng tỉnh lộ 2 về các cơ sở sản xuất gạch.

Được biết, đoàn liên ngành của huyện Krông Ana cũng tăng cường công tác kiểm tra, nhưng chỉ thực hiện vào các ngày, giờ hành chính nên hầu hết các cơ sở đã lợi dụng lúc vắng bóng lực lượng chức năng để thực hiện khai thác đất sét trái phép. Do đó, đòi hỏi phải có biện pháp mạnh hơn nữa mới ngăn chặn được tình trạng khai thác sét trái phép như đã nêu trên.

Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn huyện Krông Ana hiện có hơn 66 cơ sở sản xuất gạch, tập trung ở các xã Ea Bông, Bình Hòa và thị trấn buôn Trấp. Trong đó, có 1 cơ sở sản xuất gạch tuynel của Công ty TNHH sản xuất gạch tuynel Việt Tân tại xã Ea Bông, còn lại 65 cơ sở sản xuất lò đứng liên tục. Tính đến hết năm 2016, trên địa bàn huyện có 29 cơ sở sản xuất gạch đăng ký cải tạo đồng ruộng thu gom đất sét và được UBND huyện cấp quyền thu gom.


Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc