Multimedia Đọc Báo in

Tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế được hoàn thuế điện tử

08:20, 12/05/2017

Từ 1-5-2017, ngành Thuế sẽ triển khai hoàn thuế điện tử (HTĐT) cho người nộp thuế (NNT). Để hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh BÙI VĂN CHUẨN.

Được biết, từ ngày 1-5-2017 ngành Thuế Đắk Lắk sẽ triển khai HTĐT cho NNT, vậy xin ông cho biết những thay đổi cơ bản so với quy trình hoàn thuế trước đây mà ngành Thuế đã thực hiện?

Trước đây, để được hoàn thuế, NNT phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ gửi qua đường bưu điện hoặc trực tiếp nộp tại cơ quan thuế.  Sau đó cơ quan này  sẽ xử lý và gửi thông báo đến NNT về công tác xử lý hồ sơ và quyết định hoàn thuế qua đường bưu điện hoặc NNT có thể trực tiếp đến cơ quan thuế  để nhận. Như vậy, sẽ tốn nhiều thời gian và công sức cho NNT và cơ quan thuế. Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, kể từ ngày 1-5-2017, Cục Thuế tỉnh triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hồ sơ hoàn thuế bằng phương thức điện tử. Khi áp dụng HTĐT, NNT không cần đến cơ quan thuế để làm thủ tục và nộp hồ sơ trực tiếp như trước đây mà ở bất kỳ nơi nào cũng có thể thực hiện. Mọi thao tác hướng dẫn đều được đăng tải công khai trên Cổng thông tin của cơ quan thuế. Các hồ sơ, tài liệu, thông báo, quyết định liên quan đến quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế được NNT gửi cơ quan thuế và ngược lại được thực hiện qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.

• Xin ông cho biết những lợi ích  khi công tác HTĐT được triển khai?

Có thể thấy, khi thực hiện HTĐT sẽ đem lại những lợi ích như tiết kiệm thời gian, công sức trong việc gửi, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ hoàn thuế so với việc gửi và nhận kết quả giải quyết hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện như trước đây. Công khai, minh bạch việc giải quyết hoàn thuế tại cơ quan thuế và được cập nhật liên tục trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế giúp NNT biết tình trạng giải quyết hồ sơ hoàn thuế của mình. Cuối cùng, giảm thiểu việc NNT phải tiếp xúc trực tiếp với các nhân viên thuế, qua đó tránh được các hành vi tiêu cực trong quá trình giải quyết hoàn thuế.

•Để được HTĐT, NNT phải đáp ứng những điều kiện nào, thưa ông?

Phải đáp ứng được hai điều kiện cơ bản sau: NNT đã thực hiện khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử với cơ quan thuế và NNT được thực hiện giao dịch HTĐT kể từ thời điểm cơ quan thuế thông báo chấp nhận giao dịch hoàn thuế điện tử.

Trong giai đoạn 1 (từ ngày 1-5-2017 đến 31-7-2017), Cục Thuế sẽ lựa chọn 50 NNT trên địa bàn tỉnh để áp dụng HTĐT, phải đáp ứng các tiêu chí như có lịch sử chấp hành tốt pháp luật thuế nói chung và hoàn thuế GTGT nói riêng; thường xuyên có hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Giai đoạn 2 (kể từ ngày 1-8-2017 trở đi), áp dụng với tất cả NNT thực hiện khai thuế điện tử nộp thuế điện tử có nhu cầu sử dụng dịch vụ HTĐT và tự nguyện đăng ký.

• Vậy ngành Thuế đã chuẩn bị gì cho công tác HTĐT được triển khai trong thời gian tới?

Hiện nay, Cục Thuế tỉnh đã hoàn tất việc chuẩn bị về cơ sở vật chất để phục vụ công tác HTĐT như máy móc thiết bị, đường truyền, nâng cấp ứng dụng; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho cán bộ thuế thuộc bộ phận tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ HTĐT. Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng đăng tải tài liệu giới thiệu, hướng dẫn và các văn bản liên quan trên trang thông tin điện tử Cục Thuế, gửi qua thư điện tử đến các NNT; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng..., cùng với thực hiện nhiều biện pháp thiết thực để hỗ trợ NNT thuận lợi nhất trong tiến trình HTĐT. Với tất cả những nỗ lực trên, ngành tin tưởng sẽ đem lại nhiều sự thuận lợi hơn cho NNT trên địa bàn trong việc thực hiện chính sách pháp luật Thuế.  

• Xin cảm ơn ông!

Giang Nam (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.