Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi: Tạo động lực xây dựng nông thôn mới ở Ea Kar
Liên kết trong sản xuất, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… đã giúp nhiều hội viên nông dân huyện Ea Kar vươn lên làm giàu, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để có thể liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển, tháng 6-2012, thôn 11, xã Ea Ô thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn với sự tham gia của 15 nông hộ trong vùng. Anh Nguyễn Trọng Độ, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn 11 cho biết, hình thức kinh tế hợp tác này đem lại nhiều lợi ích cho nông dân như được chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, chú trọng bón phân vi sinh… góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường. Khi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế rau theo tiêu chuẩn VietGap, các hộ được Tổ hợp tác hỗ trợ thu mua, bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định nên sản xuất phát triển bền vững hơn.
Không chỉ có Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn 11, thời gian qua, huyện Ea Kar đã thành lập được 24 hợp tác xã nông nghiệp, 11 tổ hợp tác, 81 câu lạc bộ với 4.100 thành viên. Các câu lạc bộ, hợp tác xã đã tổ chức, hỗ trợ cho thành viên, hội viên tham quan học hỏi mô hình kinh tế trong và ngoài huyện, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác tiềm năng lợi thế từng vùng.
Cán bộ Hội Nông dân huyện Ea Kar thăm mô hình sản xuất của hội viên trên địa bàn thị trấn Ea Kar. |
Nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình đa cây, đa con thích ứng với điều kiện canh tác và nhu cầu thị trường đem lại hiệu quả cao. Chẳng hạn như, hội viên nông dân thôn 3 và 6B (xã Cư Elang) đã mạnh dạn chặt bỏ nhiều diện tích cà phê, điều, hoa màu kém hiệu quả chuyển sang trồng cây quýt đường từ năm 2009 và đã phát triển được hơn 60 ha, nhiều hộ đã trở thành “triệu phú” từ trồng quýt. Hay như gia đình anh Phạm Xuân Toàn ở thôn 6, xã Xuân Phú, không chỉ nuôi heo, bò, cá, trồng tiêu mà còn cải tạo đất để trồng thử nghiệm thành công 3 ha đậu tương. Đến nay, 10 hộ trong thôn đã chuyển sang trồng đậu tương giúp cải tạo đất và đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Còn đối với ông Nguyễn Hữu Vệ ở khối 3A, thị trấn Ea Kar, đã phát triển trang trại tổng hợp rộng 7 ha với 2.000 cây cà phê, 1.500 trụ tiêu, 2.500 cây mít nghệ, chăn nuôi heo nhằm tận dụng cỏ, lá cây, vỏ cà phê và phế phẩm chăn nuôi để ủ phân vi sinh tạo nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng. Mỗi năm trang trại tổng hợp này đem lại cho gia đình ông khoản lợi nhuận trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Anh Hoàng Trí Dũng ở thôn 3, xã Cư Elang đã thành công khi chuyển đổi sang trồng cây quýt đường. |
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi còn giúp đỡ hội viên khó khăn hơn 7 tỷ đồng, hàng nghìn cây, con giống, 1.413 tấn phân bón trả chậm, 8.832 ngày công. Nhờ đó trong 3 năm (2014-2016) các cấp Hội Nông dân huyện đã giúp 1.442 hộ hội viên thoát nghèo.
Kinh tế phát triển, các hội viên nông dân đã tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới bằng việc tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến 42.087 m2 đất, 5.788 cây các loại, đóng góp 10.169 ngày công và hơn 3,6 tỷ đồng để làm mới, tu sửa, nâng cấp 205 km đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi khác. Ngoài ra các cấp Hội, hội viên đã tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện quy hoạch tại địa phương, bảo vệ môi trường nông thôn, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa…
Ông Dương Văn Thừa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea Kar đánh giá, chính sự chủ động trong phát triển sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với trợ lực của tổ chức Hội đã thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản suất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện ngày càng phát triển sâu rộng. Đến cuối năm 2016, toàn huyện có 7.808 hộ được công nhận đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (tăng 1.156 hộ so với năm 2014), với thu nhập trung bình từ 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm. Qua phong trào này đã tạo động lực phát triển kinh tế hợp tác, hình thành nên các vùng chuyên canh lúa nước, bò sinh sản, rau an toàn, cà phê, tiêu, ca cao…, góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc