Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt: Vẫn còn nhiều thách thức

08:32, 05/05/2017

Để tiến tới việc thanh toán không sử dụng tiền mặt, Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 (ĐA). Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu mà ĐA kỳ vọng, có rất nhiều thách thức đang đặt ra.

Từ chuyện thay đổi thói quen

Mục tiêu tổng quát ĐA đặt ra cho giai đoạn 2016 – 2020 là 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.

Khách hàng sử dụng tiền mặt để thanh toán tại Ngân hàng NN-PTNT  Chi nhánh Đắk Lắk.
Khách hàng sử dụng tiền mặt để thanh toán tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk.

Mục tiêu là vậy, nhưng nhìn vào thực tế hiện nay, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn đang phổ biến trong hầu hết người dân cả thành thị lẫn nông thôn. Cảnh người dân “vác” tiền  đi mua sắm ở siêu thị hay các trung tâm thương mại không phải là điều lạ lẫm dù ở những nơi này đều đã trang bị máy POS. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân cốt lõi nhất là do thói quen sử dụng tiền mặt đã ăn sâu vào nhận thức của người dân. Đa số người được hỏi đều cho rằng, dù bất tiện, nhưng cầm  tiền trong tay mình vẫn yên tâm hơn. Ở thành thị là vậy, khu vực nông thôn, hầu như chỉ những người làm việc tại các cơ quan Nhà nước hay tại một số doanh nghiệp lớn mới có tài khoản ngân hàng khi tiền lương được trả qua ATM, nhưng tiền trong thẻ ATM cùng lắm cũng chỉ trả tiền điện, nước còn phần lớn là dùng để rút tiền mặt về phục vụ các sinh hoạt, chi tiêu trong gia đình.

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp

Từ thực tế trên, muốn người dân thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt cần phải có những cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, đến nay trên địa bàn tỉnh có 242 máy ATM, 700 điểm đặt máy POS. Các tổ chức tín dụng đã phát hành và đang được khách hàng sử dụng trên 933 nghìn thẻ ATM với nhiều tiện ích… Còn máy POS thì hầu hết đều được đặt tại TP. Buôn Ma Thuột và một số ít trung tâm huyện lớn nên chưa thể đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng. Vì vậy, để bảo đảm đạt được mục tiêu của ĐA trên, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, các ngân hàng cũng phải mở rộng, nâng cấp chất lượng phục vụ hệ thống thanh toán điện tử. Một đại diện Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk (đơn vị có hệ thống chi nhánh phủ khắp các địa phương trong tỉnh) cho rằng, trong khi chờ đợi hoàn thiện, phát triển các hệ thống và dịch vụ thanh toán bán lẻ, cần đẩy mạnh thực hiện thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công và các thanh toán có tính ràng buộc cao như thanh toán tiền điện, nước, thuế phí…

Có thể nói, thanh toán không dùng tiền mặt chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng và cơ quan quản lý Nhà nước. Vì vậy, điều cần thiết nhất hiện nay là phải có hành lang pháp lý và cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích người dân thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt. 

Theo thông tin tại Hội nghị thường niên Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam năm 2017 vừa được tổ chức mới đây, các giao dịch qua ATM vẫn chủ yếu là giao dịch rút tiền mặt, chiếm 86,81% doanh số sử dụng của thẻ nội địa, doanh số rút tiền mặt/ATM/năm vẫn tăng qua các năm (từ 60 tỷ đồng năm 2012 lên 106 tỷ đồng năm 2016), điều đó cho thấy thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn rất phổ biến.

 

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc