Multimedia Đọc Báo in

Tỷ phú lúa nước

15:17, 15/05/2017

Ở thôn 1, xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) nhiều người biết đến gia đình chị Trần Thị Lệ bởi mô hình sản xuất lúa nước mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những ngày đầu lập nghiệp, vào những năm 1999 - 2000 với vỏn vẹn 1,7 ha đất trồng lúa, lại chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Không vội bỏ cuộc, vợ chồng chị đã nuôi thêm trâu, bò tích lũy vốn đầu tư trồng lúa nước. Để có thể “trụ” được với cây lúa, một mặt chị thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, hội thảo hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lúa do Hội Nông dân xã tổ chức, mặt khác chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng 150 triệu đồng để mua máy bơm, máy cày làm đất phục vụ sản xuất.

Xác định lúa là cây trồng chủ lực, thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên gia đình chị tích góp các khoản lợi nhuận thu được qua từng năm để mua thêm đất canh tác, đến nay đã có 16 ha. Bên cạnh việc chọn thời điểm gieo trồng phù hợp, chú trọng phòng trừ sâu bệnh, mỗi năm, gia đình chị dành 4 ha để trồng thử nghiệm các giống lúa khác nhau, sau đó so sánh và lựa chọn giống lúa tốt, ít sâu bệnh, phù hợp nhất với khí hậu và thị trường tiêu thụ tại địa phương để trồng trên diện tích lớn ở vụ sau. Sau quá trình thử nghiệm và lựa chọn, gia đình chị đã sử dụng giống lúa SV 181 có năng suất cao, cho gạo ngon, năng suất trung bình 12 tấn/ha, sản lượng 210 – 220 tấn lúa/năm. Riêng vụ mùa này, năng suất đạt  gần 14 tấn/ha.

Chị Trần Thị Lệ bên ruộng lúa giống mới cho năng suất cao.
Chị Trần Thị Lệ bên ruộng lúa giống mới cho năng suất cao.

Để tăng hiệu quả canh tác, hạn chế chi phí nhân công, vợ chồng chị Lệ đã đầu tư mua thêm 2 máy cày bừa, 1 máy gặt đập liên hoàn, 3 máy bơm nước không chỉ phục vụ sản xuất của gia đình mà còn làm dịch vụ cày bừa, thu hoạch, sấy nông sản cho các hộ trong vùng. Với mô hình trồng lúa kết hợp kinh doanh dịch vụ, gia đình chị Lệ thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí, nhờ vậy có điều kiện mua sắm thêm phương tiện sản xuất hiện đại, tiện nghi sinh hoạt và chăm lo cho con cái ăn học.

Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình chị Lệ còn sẵn lòng giúp đỡ 20 nông hộ trên địa bàn về vốn, kỹ thuật canh tác, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại chỗ và tích cực tham gia đóng góp cho hoạt động xã hội từ thiện ở địa phương. Với những đóng góp đó, chị Lệ đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 – 2016.

Hữu Nguyên - Kim Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.