Multimedia Đọc Báo in

Bảo hành điện thoại di động: Người tiêu dùng ngao ngán!

09:13, 20/06/2017

Ngày nay, dịch vụ sau bán hàng trở thành một trong những tiêu chí để người tiêu dùng (NTD) xem xét, chọn mua hàng, nhất là các sản phẩm điện tử, trong đó có điện thoại di động. Thế nhưng, chế độ hậu mãi của một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn khiến không ít NTD ngao ngán.

Anh Dương Hiển Thỉnh (TP. Buôn Ma Thuột) kể, anh có mua chiếc điện thoại hiệu Sam Sung SM-G930FZDUXXV giá 14 triệu tại shop FPT trên đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột). Sau một thời gian sử dụng thì điện thoại bị chảy mực toàn màn hình, anh mang đến cửa hàng đề nghị được sửa chữa vì sản phẩm vẫn còn trong thời gian bảo hành. Mấy ngày sau, anh được nhân viên ở đây thông báo lên nhận lại điện thoại vì Trung tâm Sam Sung từ chối bảo hành với lý do sản phẩm có tác động ngoại lực gây vỡ màn hình LCD bên trong. “Tôi thấy lạ vì máy không bị trầy xước, không cấn móp, còn điện thoại được trả về cho tôi chưa hề có dấu hiệu mở ra bên trong mà phía Trung tâm bảo hành lại kết luận là bị vỡ màn hình LCD” - anh Thỉnh bức xúc. Thấy vô lý vì chất lượng sản phẩm đã mua không đạt yêu cầu mà lỗi không phải do người sử dụng, anh đã tìm đến Hội Bảo vệ quyền lợi NTD nhờ can thiệp.

Hội Bảo vệ quyền lợi NTD đang giải quyết một vụ khiếu nại của khách hàng.
Hội Bảo vệ quyền lợi NTD đang giải quyết một vụ khiếu nại của khách hàng.

Nhiều NTD khác cũng cho rằng, họ rất vất vả khi mang sản phẩm bị lỗi hoặc sự cố đến đơn vị phân phối (trong đó có cả DN lớn, tên tuổi) yêu cầu được bảo hành, sửa chữa nhưng nhiều trường hợp, nhân viên kỹ thuật không kiểm tra kỹ sản phẩm ngay tại chỗ mà chỉ lập biên bản nhận máy rồi sau đó đổ cho khách hàng làm hỏng và dây dưa kéo dài để từ chối bảo hành.

Trường hợp của anh Mai Minh Tuấn (xã Hòa Khánh, TP. Buôn  Ma Thuột) cũng là một ví dụ. Anh mang chiếc điện thoại Sam sung Galaxy E700 White đến cửa hàng điện thoại trên đường Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột) để bảo hành. Nhân viên ở đây kiểm tra, xác nhận điện thoại bị trục trặc do màn hình xuất hiện các vệt ngang màu đen và đề nghị giữ lại máy để bảo hành. Một thời gian sau, anh nhận được thông báo là máy bị vỡ màn hình và phía DN không có trách nhiệm thay thế. Anh vô cùng bực bội vì khi kiểm tra, nhân viên đã xác  nhận điện thoại của anh chỉ bị các vệt ngang màu đen còn lúc trả lại thì bảo là… vỡ màn hình (!?)

Theo Văn phòng tiếp nhận, tư vấn khiếu nại của NTD (Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh), thời gian qua có rất nhiều vụ việc khiếu nại của NTD liên quan đến chế độ bảo hành sản phẩm điện thoại di dộng. Hầu hết phản ánh của NTD cho thấy, khi máy gặp sự cố, họ phải mất nhiều thời gian để thương lượng với DN phân phối, chờ sửa chữa, thậm chí phát sinh thêm nhiều sự cố hư hỏng từ phía trung tâm bảo hành thông báo và yêu cầu NTD phải bỏ thêm một khoản tiền ra để sửa chữa, thay thế…

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định rõ các điều về trách nhiệm bảo đảm an toàn cho NTD, trách nhiệm bảo hành sản phẩm của DN cung cấp, phân phối... Trong đó, có nhiều điểm khắc phục tình trạng NTD chịu thiệt hại, phiền phức khi mua và bảo hành sản phẩm như đã nêu trên. Luật cũng quy định, trong thời gian thực hiện bảo hành, NTD được cung cấp hàng hóa tương tự để sử dụng tạm thời, hết thời gian bảo hành mà chưa khắc phục được, NTD có thể được đổi hàng hóa hoặc được thu hồi sản phẩm và trả lại tiền, NTD được chịu chi phí về sửa chữa, vận chuyển hàng hoá, linh kiện...

Do đó bản thân NTD cũng cần tìm hiểu luật kỹ hơn, đồng thời mạnh dạn đấu tranh để đòi quyền lợi chính đáng cho mình. Điều quan trọng nhất là khi bàn giao sản phẩm bị sự cố phải lập biên bản rõ ràng về tình trạng kỹ thuật để làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp sau này.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc