Buôn Đôn nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Những năm gần đây, huyện Buôn Đôn dành kinh phí để hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, địa phương có hơn 23 nghìn ha đất nông nghiệp, tuy nhiên do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và trồng nhiều loại cây không phù hợp nên hiệu quả kinh tế không cao. Để khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả kinh tế cao, năm 2011 Huyện ủy Buôn Đôn đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2015. UBND huyện đã cụ thể hóa Nghị quyết trên thành Đề án số 02/ĐA-UBND ngày 5-1-2013 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020.
Vườn chuối Nam Mỹ của ông Nguyễn Đức Buông (buôn Ea Mar, xã Krông Na). |
Sau khi Đề án được ban hành, UBND huyện chỉ đạo các xã triển khai chọn hộ, địa điểm, quy mô để thực hiện các mô hình trên tinh thần công khai, dân chủ; ngành chức năng tổ chức các đợt kiểm tra, theo dõi tiến độ thực hiện; thành viên tổ chuyên trách thực hiện đề án xuống tận nhà, tận chân ruộng tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác, chăn nuôi.
Theo thống kê, giai đoạn 2013 - 2017, UBND huyện Buôn Đôn đã dành hơn 3,5 tỷ đồng để hỗ trợ hàng trăm hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua việc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu về lúa, trồng nghệ đỏ, trồng cỏ nuôi bò, thanh long ruột đỏ, chuối Nam Mỹ...
Điển hình là xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lúa cho 207 hộ với diện tích 50 ha tại các xã Ea Nuôl, Tân Hòa, Krông Na, Cuôr Knia. Địa phương đã hỗ trợ người dân đưa vào sử dụng những giống lúa mới năng suất cao, đồng thời áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nên năng suất lúa được nâng lên 7,5 tấn/ha, trừ chi phí người dân thu lãi khoảng 24 triệu đồng/ha.
Từ những mô hình điểm này đã giúp người dân thấy được hiệu quả từ đó học hỏi làm theo. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 80% người trồng lúa sử dụng các loại giống lúa lai năng suất cao vào sản xuất; số lượng bò lai đã chiếm 50% tổng đàn; một số vườn tạp đã được cải tạo, thay thế bằng những vườn cây ăn quả...
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc