Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện môi trường kinh doanh: Doanh nghiệp vẫn "kêu"

09:05, 04/06/2017

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Vẫn còn "trên nóng dưới lạnh"

Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2017 mới đây, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, qua kết quả khảo sát cộng đồng DN trên cả nước, một trong những vấn đề gây khó khăn cho DN hiện nay là tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh” còn phổ biến; nhiều bộ, ngành địa phương chỉ giải thích, không giải quyết kiến nghị của DN... Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được nhắc đến, nhưng sự chuyển biến trong hành động của các cấp thực thi đang tạo ra rào cản không đáng có. Là một trong những đại diện của cộng đồng DN Đắk Lắk trực tiếp dự hội nghị tại Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH vận tải ôtô An Phước Phạm Đông Thanh cho rằng, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và lãnh đạo địa phương là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ở cấp thực thi, cụ thể ở đây là đội ngũ chuyên viên đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho DN. Theo ông Thanh, nhiều vấn đề đáng lý ra chuyên viên phải thực hiện vai trò tham mưu cho cấp trên, hướng dẫn cho DN để sớm xử lý, nhưng hầu như họ thực hiện rất chậm hoặc không thực hiện đầy đủ vai trò, nhiệm vụ của mình, đẩy cái khó cho DN.

Sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH Xuân Hòa (Cụm công nghiệp Tân An 1, TP. Buôn Ma Thuột).  Ảnh: M.Thông
Sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH Xuân Hòa (Cụm công nghiệp Tân An 1, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: M.Thông

Tại Đắk Lắk, các nhà đầu tư ngoài tỉnh cũng đã nhiều lần “kêu” vì vấn đề này. Theo đại diện Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại VN Đà Thành, trong khi lãnh đạo tỉnh nỗ lực kêu gọi đầu tư thì bộ phận tham mưu lại rất chậm trong xử lý hồ sơ của DN. Bằng chứng là dự án đầu tiên của DN này từ khi có chủ trương đầu tư đến khi khởi công được kéo dài đến gần 3 năm trời. Đây là thực trạng chung mà các DN tại Đắk Lắk đang gặp phải. Hệ lụy của thủ tục hành chính kéo dài là hiệu quả đầu tư thấp, chi phí tăng cao… chưa kể đến một khi DN “nóng ruột” sẽ sinh ra chi phí không chính thức.

Khó tiếp cận vốn ngân hàng

Một vấn đề khác mà DN đang gặp khó khăn là khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Hầu hết DN trên địa bàn tỉnh là DN nhỏ và vừa, nên nếu muốn phát triển sản xuất, kinh doanh đều phải dựa vào nguồn lực vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, vì là DN nhỏ và vừa nên tài sản bảo đảm không đủ đáp ứng nhu cầu vay vốn. Trong khi đó, để bảo đảm an toàn, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh gần như không giải quyết cho vay theo dự án hoặc đơn hàng mặc dù có nhiều dự án, đơn hàng có tính khả thi cao. Theo đại diện một công ty chế biến gỗ xuất khẩu, các tổ chức tín dụng cần chú trọng hơn vào các biện pháp bảo đảm vốn vay khác ngoài tài sản thế chấp để DN có thể tiếp cận được vốn vay, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Công nhân Công ty Cổ phần thép Đông Nam Á tập kết sản phẩm thép cuộn.     Ảnh: M.Thông
Công nhân Công ty Cổ phần thép Đông Nam Á tập kết sản phẩm thép cuộn. Ảnh: M.Thông

Cùng với đó, mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiều lần yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiên cứu hạ lãi suất cho vay, nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Theo ông Phạm Đông Thanh, hiện nay lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7%/năm, các lĩnh vực còn lại phổ biến ở mức 8%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 9%-11%/năm đối với cho vay trung dài hạn, vẫn còn khá cao so với mặt bằng chung của thế giới, khiến khả năng cạnh tranh của các DN vận tải như ông giảm đi đáng kể. 

Theo công bố của VCCI tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2017, có 66% trong số 11 nghìn DN tham gia khảo sát đã xác nhận phải trả các khoản chi phí không chính thức. Các DN thường phải trả loại chi phí này khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện...

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.