Cây điều đối mặt với biến đổi khí hậu
Điều là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, là nguồn thu chính của người dân vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra dịch bệnh khiến nhiều vườn điều bị khô trắng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Thất thu do điều bị bệnh thán thư, bọ xít muỗi
Ông Phùng Văn Việt, buôn Ea Drai, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc có 1,5 ha điều xen canh cà phê cho biết, vườn cây là toàn bộ nguồn thu của 6 người trong gia đình. Năm 2016 vườn cây thu về hơn 2 tấn điều nhân, với giá từ 35.000-40.000 đồng/kg gia đình thu về gần 100 triệu đồng. Thế nhưng, năm nay vào thời điểm điều ra hoa, đậu quả thì trên địa bàn tỉnh xuất hiện hiện tượng mưa trái mùa làm độ ẩm trên vườn tăng cao, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh thán thư, bọ xít muỗi phát sinh gây nên hiện tượng trắng lá, ngọn khô, quả bị thâm đen và rụng khiến vườn cây khô trắng từ gốc tới ngọn.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Phi Long trú cùng buôn có 1 ha điều chủ yếu được trồng xen trong cà phê và gần như không tốn công chăm sóc nhưng cuối vụ vẫn thu về hơn 50 triệu đồng mỗi năm. Đầu tháng 2 năm nay, vườn cây phát triển tốt, hoa trổ nhiều, hứa hẹn vụ điều thắng lợi thế nhưng vào cuối tháng 2 trên vườn bắt đầu xuất hiện một số cây bị trắng lá, khô đọt, sau gần 1 tháng thì lây lan cả vườn, hiện tại cả vườn phủ một màu trắng bạc, một số cây đã bị chết khô, số còn lại bị khô cành, rụng quả nên vụ điều năm nay gia đình trắng tay.
Còn với gia đình ông Lương Văn Nam trú buôn Ea Drai A thì vườn điều 8 sào cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình 6 người. Khi phát hiện điều bị bệnh, ông đã trình báo lên xã và tham gia các lớp tập huấn về phòng, trị bệnh thán thư, bọ xít muỗi trên cây điều nhưng vẫn không thể trừ được bệnh bởi từ trước đến nay việc trồng điều giống như trồng cây lấy gỗ-trồng xen trong vườn cà phê để lấy bóng mát và không cần chăm sóc, bón phân, cắt tỉa cành nên gia đình không nghĩ đến việc phải phun thuốc cho vườn điều. Vì vậy, khi điều bị bệnh ông chỉ phát quang bụi rậm quanh gốc, làm cỏ, cắt những cây bị chết để ra chồi mới mà thôi.
Vườn điều của gia đình ông Phùng Văn Việt, buôn Ea Drai, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc bị bệnh nặng, khô trắng vườn. |
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh có hơn 476 ha điều bị nhiễm bệnh, trong đó hơn 336 ha bị nhiễm nhẹ, 140 ha nhiễm mức độ nặng. Số diện tích bị nhiễm bệnh không nhiều để công bố dịch bệnh (chiếm 2,2% tổng diện tích điều toàn tỉnh) nhưng lại nằm ở vùng sâu, vùng xa, là nguồn thu nhập chính của các hộ dân nên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bà con.
Chủ động ứng phó với dịch bệnh
Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường và tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Riêng tại Đắk Lắk, hiện tượng mưa trái mùa diễn ra vào đúng thời điểm cây điều ra hoa, đậu quả (từ tháng 12-2016 đến 2-2017) khiến độ ẩm tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho bọ xít muỗi, bệnh thán thư bùng phát và gây hại. Riêng bệnh thán thư do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra và phát tán nhờ nước và gió, gây hại nặng trên chồi non, quả non làm giảm năng suất và chất lượng hạt điều. Đặc biệt, bọ xít muỗi có thể làm gia tăng mức độ lây nhiễm bệnh thán thư trên vườn cây bởi khi chúng chích hút thường tạo ra vết thương, làm cho mầm bệnh thán thư dễ dàng xâm nhập, gây hại. Vì vậy, những vườn điều xuất hiện nhiều bọ xít muỗi thì bệnh thán thư cũng gây hại nặng hơn, khiến dịch bệnh trở nên nguy hiểm hơn với cây trồng.
Bà Vũ Thị Thanh Bình, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, cây điều trước nay vốn không dễ bị nhiễm bệnh đồng loạt do đó người dân rất chủ quan trong công tác phòng trừ. Hiện tại Đắk Lắk đã bước vào mùa mưa, diện tích nhiễm sâu bệnh nhẹ - trung bình đã phục hồi, ra lá mới và phát triển trở lại, bọ xít muỗi trên các vườn điều đã giảm mật độ, tuy nhiên những diện tích bị bệnh nặng sẽ bị chết và ảnh hưởng đến kinh tế của các hộ gia đình. Để phát triển cây điều theo hướng bền vững, ổn định diện tích ở 21.140 ha trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay thì người dân cần chủ động trong công tác phòng trừ dịch bệnh. Theo đó, với những vườn điều bị bệnh thì cần phun thuốc diệt trừ mầm bệnh; cưa đốn các cành, ngọn bị khô giúp cây ra chồi mới cho vụ sau; bón phân cân đối, đầy đủ để cây phục hồi tốt.
Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu và tác động trực tiếp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, người trồng điều cần thay đổi tập quán canh tác, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc, phòng bệnh để bảo đảm cho vườn cây phát triển bền vững.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc