Doanh nghiệp kỳ vọng vào chính quyền kiến tạo và phát triển
Vừa dẫn đầu đoàn doanh nghiệp (DN) Đắk Lắk tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2017 trở về, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Dương Thanh Tương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đắk Lắk xung quanh hội nghị này.
°Thưa ông, đây là lần thứ 2 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì một hội nghị mang tính chất đối thoại với cộng đồng DN. Xin ông cho biết nét khác biệt quan trọng giữa hai hội nghị này?
Kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu cao chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ tại Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2016, đến nay đã hơn 1 năm trôi qua, người đứng đầu Chính phủ và Chính phủ đã từng bước biến chủ trương thành hành động cụ thể. Tại hội nghị năm 2017 này, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải nêu cao quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, cắt bỏ các thủ tục nhiêu khê, rườm rà cản trở sự phát triển của DN, để DN thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Điều này chúng ta có thể thấy rõ khi ngay trong quá trình diễn ra hội nghị, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 20, trong đó điểm nổi bật là quy định DN chỉ bị thanh tra không quá một lần trong năm.
Ông Dương Thanh Tương (giữa) trao đổi với các đại biểu bên lề một hội nghị đối thoại DN. |
°Là đại diện cộng đồng DN Đắk Lắk, ông đánh giá thế nào về tác động của những hội nghị như trên?
Rõ ràng là phải có những tác động tích cực. DN được nói và nói được những khó khăn của mình để Chính phủ biết và có những chính sách, giải pháp hỗ trợ. DN hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn và đến từ mọi hướng. Không kể sự cạnh tranh khốc liệt đến từ bên ngoài thì chi phí cao, trong đó có nhiều chi phí không hợp lý, môi trường kinh doanh còn bị nhiều cản trở và chưa ổn định... nên chỉ có Chính phủ và chính quyền các cấp mới có thể tháo gỡ được. Có thể thấy, thời gian gần đây môi trường kinh doanh tại Đắk Lắk đã được cải thiện rất nhiều, nhưng qua phản ánh của các DN trong Hiệp hội, sự thay đổi đó mới chỉ dừng lại ở cấp quản lý, còn bộ phận giúp việc, thực thi công vụ chưa có sự chuyển biến lớn. Trong thực tế, nhiều DN thành viên vẫn phải nhờ sự can thiệp của Hiệp hội để giải quyết những công việc hành chính tưởng chừng rất đơn giản.
°Vậy cá nhân ông cũng như Hiệp hội kỳ vọng gì về sự thay đổi sau hội nghị này, thưa ông?
Thực sự tôi rất kỳ vọng một Chính phủ kiến tạo đi vào lòng dân, hiểu DN, nói và làm thực sự. Tôi mong rằng, sau hội nghị này, những trăn trở, quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ sẽ truyền được đến bộ phận thực thi công vụ các cấp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Trước hết là tạo chuyển biến trong cải cách hành chính như cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, kịp thời hỗ trợ cho DN trong việc giải quyết các thủ tục hành chính… Có như vậy, DN mới có thể giảm được chi phí, nhất là các “chi phí không chính thức” để nâng cao năng lực cạnh tranh. Phải nói rằng, với những cải biến của Chính phủ thì không phải ngày một ngày hai sẽ có biến chuyển ngay, nhưng tôi lạc quan rằng với Chính phủ kiến tạo, cộng đồng DN chúng tôi sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh. Điều quan trọng nữa, từ những hội nghị như vậy sẽ tạo niềm tin cho DN trong chặng đường phía trước, khi có Chính phủ cùng đồng hành với mình.
°Xin cảm ơn ông!
Giang Nam (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc