Multimedia Đọc Báo in

Đưa sinh kế đến với người nghèo

09:44, 13/06/2017

Dự án Phục hồi an ninh lương thực và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng nghèo ở Tây Nguyên bị hạn hán ảnh hưởng được triển khai khi Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang gặp khó khăn sau đợt hạn nặng nề nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, đã đem lại những kết quả tích cực cho cộng đồng.

Dự án do Tổ chức lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và ActionAid Việt Nam (AAV) thực hiện dưới sự tài trợ của Ủy ban Viện trợ nhân đạo và Bảo vệ dân sự Liên Minh Châu Âu (ECHO). Chỉ sau 8 tháng triển khai (tháng 10-2016 đến tháng 5-2017), Dự án đã hỗ trợ 5.469 hộ nghèo Tây Nguyên chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán (Đắk Lắk 1.745 hộ, Đắk Nông 1.236 hộ, Gia Lai 2.488 hộ) với tổng trị giá hơn 14,4 tỷ đồng.

Tại Đắk Lắk, Dự án hỗ trợ cho huyện Krông Bông (xã Hòa Phong, Dang Kang, Khuê Ngọc Điền) hơn 2,7 tỷ đồng, Ea Súp (Ea Rốk) 2,3 tỷ đồng. Sự hỗ trợ nhanh, kịp thời ngay sau hạn đã giúp nhiều gia đình có chi phí để mua lương thực, thực phẩm và tái sản xuất.

Bà Ngân Thị Phú, thôn 14, xã Ea Rốk cho biết, gia đình bà có 10 nhân khẩu, tất cả chỉ trông chờ vào 1,5 ha ruộng, nhưng năm 2016 bị hạn nặng, trồng lúa thiếu nước không trổ được, sau đó bà chuyển sang trồng ngô nhưng cũng bị hạn, chết khô khiến cuộc sống của gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Tháng 10, bà được Dự án hỗ trợ 2,2 triệu đồng để mua gạo, vật liệu làm chuồng gà, giống, vắc xin tiêm phòng... Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà từ cán bộ của Dự án mà đàn gà của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, dịp Tết năm 2017 gia đình có gà để bán trang trải cuộc sống, đặc biệt hiện giờ đàn gà vẫn sinh trưởng, phát triển tốt với hơn 70 con.

Tương tự, gia đình ông Y Chu, xã Hòa Phong cho hay, cả gia đình 6 người chỉ trông chờ vào 6 sào ruộng, 1 ha sắn, 3 con bò, nhưng ruộng lúa không có nước bị khô cháy, phải cắt cho bò ăn, sắn thì còi cọc, ít củ, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt khiến cuộc sống bị đảo lộn. Khi được Dự án hỗ trợ phiếu mua hàng, ông đã mua lúa giống, phân bón, xe rùa, bình phun thuốc kịp thời tái sản xuất sau hạn. Còn với hai mẹ con chị H’Vil Liêng, trú cùng xã cũng chỉ trông chờ vào 4 sào ngô, 1 sào sắn, hạn hán cũng khiến cuộc sống của 2 mẹ con chị gặp rất nhiều khó khăn,  do đó, khi được nhận tiền hỗ trợ, chị đã mua 1 bao gạo 25 kg, mua giống mới, phân bón để tái sản xuất trên đồng ruộng…

Người dân huyện Krông Bông nhận thùng nhựa Dự án hỗ trợ.
Người dân huyện Krông Bông nhận thùng nhựa Dự án hỗ trợ.

Nhìn chung, Dự án đã được triển khai với tính chủ động cao, mang lại hiệu quả tích cực, lâu dài cho người nghèo-đối tượng dễ bị tác động nhất của biến đổi khí hậu. Theo đó, việc hỗ trợ được phân chia theo đối tượng hưởng lợi một cách hợp lý: những hộ có đất để sản xuất sẽ được hỗ trợ phiếu mua hàng với tổng số tiền 2,5 triệu đồng dùng để mua lương thực, giống, phân bón và vật tư phục vụ sản xuất; những hộ không có đất sản xuất hoặc có đất nhưng rất ít thì được hỗ trợ bằng tiền mặt với tổng trị giá 2,2 triệu đồng. Đồng thời, các hộ dân cũng được tập huấn cách sử dụng phiếu mua hàng, tiền mặt và danh sách các cửa hàng uy tín đã cam kết bán hàng bảo đảm chất lượng với Dự án, bảo đảm người dân mua được những vật dụng có giá trị sử dụng. Qua đó đã giúp người dân có thể tái sản xuất sớm nhất trên đồng ruộng, tự tạo ra sản phẩm nông nghiệp lâu dài và đặc biệt là hướng dẫn người dân có các kinh nghiệm, kỹ năng thiết yếu để ứng phó với thiên tai bất thường do biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu đang trở thành một hiện tượng “bình thường mới” trên thế giới và Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, vì vậy người dân cần chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc chuẩn bị tâm thế, bảo vệ sinh kế và tài sản cho bản thân trong trường hợp xảy ra thiên tai.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.