Gian nan nghề trồng khoai lang
Những năm gần đây, thấy hiệu quả kinh tế cao từ loại cây khoai lang Nhật ruột vàng (trung bình mỗi héc-ta sau khi trừ chi phí cũng có lợi nhuận trên 100 triệu đồng), một số hộ dân ồ ạt đến huyện Krông Bông thuê đất trồng khoai lang với quy mô lên đến hàng chục héc-ta. Tuy nhiên, không “ngon ăn” như hình dung, người trồng khoa lang cũng gặp lắm nỗi gian nan…
Cách đây 10 năm, sau khi tìm hiểu về đặc tính cây khoai lang Nhật ruột vàng, gia đình ông Hồ Văn Nghê (thôn 3, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã dốc vốn thuê đất trồng thí điểm 3 ha. Sau hơn 4 tháng vất vả, đến ngày thu hoạch cầm số tiền lãi lớn trong tay, gia đình ông Nghê vô cùng phấn khởi, quyết tâm gắn bó với loại cây này.
Gia đình ông Nguyễn Sỹ Minh đang thu hoạch khoai lang. |
Theo kinh nghiệm nhà nông “khoai đất lạ, mạ đất quen”, suốt 10 năm qua, gia đình ông Nghê “tha hương” khắp nơi thuê đất trồng khoai. Gia đình ông đã đi đến hàng chục vùng đất khác nhau, đi đến đâu lại dựng lán trại giữa đồng đến đó, hằng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để trồng khoai. Bên cạnh những thành công, ông Nghê cũng gặp không ít rủi ro dẫn đến thất thu. Như vụ thu đông năm 2016, gia đình ông hợp đồng thuê 6 ha đất ở xã Ea Trul (huyện Krông Bông) trồng khoai lang ruột vàng. Suốt 4 tháng trời chăm bón, sắp đến ngày thu hoạch thì trận lũ lụt tháng 11-2016 xảy ra khiến toàn bộ sản lượng bị mất trắng, gia đình ông lỗ 600 triệu đồng tiền đầu tư sản xuất.
Vụ đông xuân 2016 – 2017, gia đình ông Nghê đến xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) thuê 15 ha đất để tái vụ. Những tưởng sẽ có vụ mùa bội thu, không ngờ bao nhiêu công sức đổ ra, đến khi thu hoạch lợi nhuận không như mong muốn, gia đình ông phải thương lượng xin hợp đồng thêm một vụ nữa. Ông Nghê chia sẻ: “Người ta thường nói “nuôi tằm ăn cơm đứng” nhưng theo tôi, người trồng khoai lang cũng vất vả không kém. Muốn cây phát triển tốt, cho năng suất cao thì phải nắm vững đầy đủ các quy trình kỹ thuật từ khâu chọn hom giống, lên liếp, bón phân cân đối cho đến tưới tiêu”.
Sau khi tham quan học tập mô hình trồng khoai lang Nhật ruột vàng ở Lâm Đồng, ông Nguyễn Sỹ Minh (thôn 9, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) đầu tư 200 triệu đồng thuê 20 ha đất của người dân trong thôn trồng khoai lang. Để có đủ hom giống cho diện tích 20 ha, ông đã trồng 0,5 ha khoai lang giống. Trong khi những giồng khoai lang đang phát triển tốt, gia đình ông chuẩn bị cày xới, lên giồng, bón phân, xuống giống thì trận lũ xảy ra tháng 11-2016 khiến cho toàn bộ diện tích khoai giống chìm trong biển nước, hàng trăm triệu đồng tiêu tan trong phút chốc. Không chịu thua cuộc, sau khi nước rút, gia đình ông Minh lại tiếp tục đầu tư trồng mới 16 ha khoai lang ruột vàng Nhật. Hiện nay, gia đình ông đã thu hoạch 3 ha nhưng năng suất khoai chỉ đạt trên 15 tấn/ha, chất lượng củ không đạt khiến ông phải bán với giá thấp hơn những nơi khác.
May mắn hơn, hai anh em ông Trịnh Lục và Nguyễn Minh (thôn 3, xã Hòa Phong) đã đầu tư vốn trồng 7 ha khoai lang trên diện tích đất bồi pha trong vụ đông xuân 2016-2017. Do hợp với thổ nhưỡng nên khoai cho năng suất đạt 20 tấn/ha, với giá bán tại đồng 11.000 đồng/kg, gia đình ông Lục dự tính sau khi trừ chi phí cũng lãi được gần 700 triệu đồng. Ông Lục chia sẻ: “Kết quả này có được sau gần 5 tháng dầm sương, dãi nắng. Trồng khoai vất vả lắm chứ không dễ như nhiều người vẫn tưởng, thường xuyên ăn ở tại đồng, theo dõi sâu bệnh, khi trời nắng phải tưới cho khoai đủ độ ẩm, hằng tuần phải vắt dây khoai lên giồng để quang hợp".
Có thể nói, cây khoai lang Nhật ruột vàng dù có hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác song do chi phí lớn, công chăm sóc rất nhiều (đòi hỏi nông dân thường xuyên có mặt tại đồng, phải tưới đủ nước khi trời nắng và kịp thời xử lý sâu bệnh) nên các hộ nông dân phải tính toán kỹ khi quyết định đầu tư trồng với quy mô lớn để tránh rủi ro...
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc