Hiệu quả từ trồng cỏ ruộng nuôi bò nhốt ở Krông Bông
Diện tích đất hoang hóa ngày càng bị thu hẹp dẫn đến việc chăn nuôi bò gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Krông Bông đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cỏ ruộng để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc.
Trước đây, toàn huyện có 95 hộ nuôi bò nhốt, tập trung chủ yếu tại xã Hòa Sơn. Đến năm 2011, Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông đã triển khai mô hình “Chuyển giao quy trình vỗ béo bò trong nông hộ”, thực hiện 5 mô hình nuôi và vỗ béo 15 con bò tại 5 gia đình ở thôn 8, 9 xã Hòa Sơn. Mô hình nuôi bò nhốt thâm canh này không những góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương. Sau 3 năm triển khai số hộ nuôi bò nhốt trên địa bàn huyện đã tăng lên 1.060 hộ. Số lượng bò vỗ béo tăng mạnh trong khi bãi cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp nên người dân đã phải chủ động tạo ra nguồn thức ăn xanh quanh năm cho đàn bò. Và năm 2013, xu hướng chuyển đổi một số diện tích trồng lúa sang phát triển cỏ ruộng cho đàn gia súc phát triển rất mạnh.
Hộ chăn nuôi ở thôn Thanh Phú, xã Hòa Sơn đang thu hoạch cỏ ruộng. |
Cỏ ruộng, chủ yếu là cỏ chỉ mọc dại trên ruộng lúa nước và sinh sản rất mạnh. Cỏ thường xuất phát từ một điểm, từ một bụi rất nhỏ, nếu đủ nước sẽ sinh sôi và phát triển nhanh thành từng đám lớn lan đầy khắp ruộng. Khi hết vụ lúa, ruộng bị khô hạn phần lá phía trên của cây cỏ có thể bị khô, nhìn như chúng đã chết, nhưng khi gặp mưa cỏ lại phát triển bình thường. Với những đặc điểm trên, nhiều hộ chăn nuôi ở đây đã phát triển cỏ trên diện tích lớn để chủ động trong chăn nuôi tạo nguồn thức ăn cho gia súc.
Gia đình ông Trịnh Minh Dũng (thôn 1, xã Hòa Sơn) nuôi 15 con bò vỗ béo. Để cung cấp đủ thức ăn cho số bò này, ngoài các loại thức ăn như rơm, cám… vợ chồng ông phải trồng thêm chuối, cỏ voi, VA06 trong vườn nhưng vẫn không đủ thức ăn cho bò. Ông cho biết, bò nuôi nhiều nên thường xuyên thiếu cỏ, đặc biệt là vào mùa khô. Vì vậy, năm 2013 ông đã mạnh dạn chuyển đổi 5 sào lúa sang phát triển cỏ chỉ. Ông cho biết thêm, loại cỏ này không cần giống, không tốn nhiều công chăm sóc, sau mỗi đợt cắt chỉ cần bón một ít phân đạm (khoảng 10 kg/sào) là cỏ sẽ phát triển tốt. Từ đó, việc tìm kiếm thức ăn cho đàn bò của gia đình ông không còn vất vả như trước.
Tương tự, với việc trồng 2 ha cỏ chỉ, gia đình anh Trần Văn Hoàng (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền) đã có được nguồn thức ăn dồi dào cho từ 40 – 60 con bò vỗ béo. Theo anh tính toán, việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa sang trồng cỏ mang lại hiệu quả cao hơn. Trung bình với 2 ha trồng lúa mỗi vụ anh thu về khoảng 7 tấn/ha, với giá lúa hiện tại mỗi năm anh lãi khoảng 20 – 30 triệu đồng. Nhưng sau khi chuyển sang trồng cỏ, bên cạnh thu lợi từ các phụ phẩm của bò, chủ động được nguồn thức ăn anh còn có thêm một nguồn thu nhập lớn từ việc bán cỏ cho các trang trại bò lân cận. Trung bình cỏ được bán với giá 700 nghìn đồng/xe cày, còn khi mùa khô đến thì 1 xe cày cỏ giá từ 1-1,2 triệu đồng. Anh chia sẻ, năm 2013, anh bán cỏ được 20 triệu đồng, số này tăng đều theo các năm, đỉnh điểm năm 2016 anh bán gần 65 xe cỏ thu về hơn 60 triệu đồng.
Năm 2013, tổng diện tích trồng cỏ của huyện Krông Bông là 90,4 ha, trong đó diện tích trồng cỏ ruộng chỉ chiếm 8,3 ha. Sau gần 4 năm phát triển mô hình bò nuôi nhốt, diện tích cỏ ruộng đã lên đến 132 ha, phần lớn tập trung tại các xã: Hòa Sơn (78 ha), Khuê Ngọc Điền (15 ha), Cư Kty (8 ha), Ea Trul (7 ha), thị trấn Krông Kmar (7 ha),…
Việc chuyển đổi một số diện tích trồng lúa sang trồng cỏ ruộng nuôi bò vỗ béo theo phương pháp nuôi nhốt bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, chủ động cân đối được nguồn thức ăn trong chăn nuôi, không phụ thuộc vào tự nhiên. Đặc biệt, tạo điều kiện cho các hộ dân ít đất sản xuất có cơ hội ổn định đời sống, phát triển kinh tế.
Dung Nguyễn
Ý kiến bạn đọc