Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ xã hội hóa công tác khuyến nông

09:44, 13/06/2017

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã từng bước xã hội hóa trong công tác khuyến nông nhằm thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia hoạt động lĩnh vực này và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Những mô hình tiêu biểu

Xã hội hóa được xem là một giải pháp linh hoạt để đẩy mạnh hoạt động khuyến nông nói riêng và thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, Chương trình cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo không còn được hưởng các chính sách ưu đãi nữa, để duy trì hoạt động của hệ thống 44 dẫn tinh viên tại 15 huyện, thị, thành phố và thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ bò lai đạt 30% trong tổng đàn bò toàn tỉnh, Trung tâm đã thực hiện xã hội hóa với sự tham gia tích cực của người chăn nuôi. Theo đó, hằng năm Trung tâm chỉ trích kinh phí để mua khí Nitơ bảo quản liều tinh đông viên, còn các dẫn tinh viên phải bỏ tiền mua tinh đông viên và dụng cụ phối giống kèm theo. Người chăn nuôi trả thù lao cho các dẫn tinh viên theo sự thỏa thuận, với 10.000 liều tinh mỗi năm, tỷ lệ phối thành công đạt trên 70% cho hơn 4.500 bê lai Droughtmaster, Brahman, Red Angus, BBB.

Lắp đặt mô hình tưới nước tiết kiệm cho một hộ dân tại xã Đắk Liêng, huyện Lắk theo hình thức xã hội hóa.
Lắp đặt mô hình tưới nước tiết kiệm cho một hộ dân tại xã Đắk Liêng, huyện Lắk theo hình thức xã hội hóa.

Tương tự, trong lĩnh vực cây trồng, để thực hiện mục tiêu chung của ngành đến năm 2020 tái canh 27.936 ha cà phê, từ năm 2015, Trung tâm phối hợp với Tập đoàn cà phê Nettles sản xuất, hỗ trợ chi phí cây giống cho người dân. Theo đó, khi đăng ký cây giống tại Trung tâm, người dân được hỗ trợ 50% chi phí cây giống (1.500 đồng/cây) và được Trung tâm tập huấn, giải đáp các thắc mắc về kỹ thuật tái canh, chăm sóc cà phê sau tái canh, phòng trừ sâu bệnh... Đặc biệt, người dân và Tập đoàn Nettles cùng tham gia giám sát quá trình ươm giống tạo nên sự tương tác đa chiều và nghiễm nhiên vườn cà phê của các nông hộ được ghi tên trong sơ đồ nguyên liệu của tập đoàn Nettles. Qua đó, năm 2015 Trung tâm sản xuất 126.000 cây cà phê giống, năm 2016  tăng lên 324.000 cây, năm 2017 là 520.800 cây. Hay như đầu năm 2017, Trung tâm phối hợp với Công ty TNHH Thương mại Nguyễn Tân triển khai lắp đặt miễn phí 6 mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây cà phê, hồ tiêu, bơ cho 6 hộ dân tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pắc, Cư M’gar với tổng diện tích 1,8 ha. Thông qua mô hình này, người dân đã được tiếp cận với hệ thống tưới tiết kiệm nước sản xuất trong nước khá hiệu quả với chi phí đầu tư hợp lý. Đặc biệt, hệ thống tưới có tia phun ngắn, hạt mưa nhỏ nên lượng nước tiêu thụ thấp, hạn chế tình trạng nguồn nước bị cạn khô trong khi bơm tưới, có thể kết hợp tưới nước và bón phân cùng lúc.

Ưu tiên DN công nghệ cao tham gia khuyến nông

Công tác khuyến nông được xem là một mũi nhọn của ngành nông nghiệp. Xã hội hóa công tác này là xu thế tất yếu hiện nay. Nó đang tạo ra sức bật lớn cho ngành, bởi mỗi doanh nghiệp (DN) là một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu trên từng lĩnh vực riêng biệt và việc chuyển giao những tiến bộ mới cũng được thực hiện bài bản, hiệu quả. Trong khi đó, phần lớn các mô hình đều được triển khai ở những vùng sâu, vùng xa, bản thân các DN vừa hỗ trợ kinh phí triển khai vừa tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trên từng giai đoạn phát triển của các loại cây trồng, vật nuôi nên người dân hưởng ứng rất tích cực. Các mô hình trình diễn cũng là mắt xích quan trọng để kết nối các nhà khoa học, DN, quản lý và nhà nông với nhau, hình thành mối kết nối, xây dựng và phát triển nông sản theo chuỗi để tăng giá trị gia tăng cho các loại cây trồng, vật nuôi mà ngành nông nghiệp đang hướng đến.

Lắp đặt mô hình tưới nước miễn phí do Công ty TNHH Thương mại  và sản xuất Nguyễn Tân  hỗ trợ 100%.
Lắp đặt mô hình tưới nước miễn phí do Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Nguyễn Tân hỗ trợ 100%.

Ông Ngô Nhân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, xã hội hóa công tác khuyến nông đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp, từ đào tạo nguồn nhân lực đến việc tiếp cận, giới thiệu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, lựa chọn cái mới để đưa vào thực tiễn sản xuất cho bà con nông dân. Chưa bao giờ con đường chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân, đặc biệt là những hộ ở vùng sâu, vùng xa lại được rút ngắn và nhanh như hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế không phải nguồn lực nào cũng có thể hợp tác mà cần phải lựa chọn các DN uy tín, có công nghệ phát triển, có thể vận dụng các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị gia tăng để phục vụ tái cơ cấu ngành.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.