Hội thảo Quy hoạch phát triển TP. Buôn Ma Thuột: Vì một đô thị xanh, bản sắc vùng Tây Nguyên
Ngày 3-6, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk”.
Những nhận định của các chuyên gia trong quá trình đô thị hóa tại Đắk Lắk và TP. Buôn Ma Thuột đã mang đến nhiều gợi ý, mở ra tầm nhìn, giải pháp chiến lược cho công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị…
Đô thị xanh, bản sắc
Theo Phó GS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Buôn Ma Thuột có vị thế đặc biệt, cho nên cần xuất phát từ vị thế chức năng đó để bàn về giải pháp phát triển cho đô thị này trên quan điểm đây là đô thị tạo động lực và là yếu tố điển hình, định hình, định vị, định hướng cho cả vùng Tây Nguyên.
Đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: H. Gia |
Công cuộc đô thị hóa và hiện đại hóa đang diễn ra nhanh chóng, vừa tạo nên những quỹ vật chất - kỹ thuật - kiến trúc đô thị to lớn, vừa bộc lộ sự đồng nhất tương đối trong chuẩn mực phát triển, cùng với đó là sự đơn điệu hóa, mờ nhạt dần những sắc thái riêng mà chúng ta vốn dễ dàng nhận ra ở mỗi buôn làng. GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Đoàn chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, điều kiện sống, cộng đồng thay đổi dẫn đến hình thái kiến trúc cư trú và cấu trúc cộng sinh biến đổi theo. Dù nhanh hoặc chậm thì quá trình cải tiến, kế thừa, tiếp thu và cách tân cũng sẽ diễn ra. Và bảo tồn - hoài niệm - tiến bộ là một chuỗi tự nhiên. Mật độ xây dựng sẽ tăng, cảnh quan tất yếu thay đổi. Chỉ có thể quản lý, phát triển buôn làng trong đô thị bằng cách chấp nhận sự vận động tự nhiên của chúng, chủ động can thiệp bằng cách hoạch định các hướng phát triển sát thực tế và mang tính khả thi. Các buôn trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay nếu được cải tạo, và hiện đại hóa bằng sự điều tiết có thể trở thành những thực thể đô thị ngang và bình đẳng với các thực thể khác. Hơn thế nữa chúng sẽ là những không gian xây dựng thấp tầng và xanh, góp phần hình thành sự chuyển hóa mềm từ thiên nhiên sang đô thị. Cho nên quan điểm xây dựng phát triển một Buôn Ma Thuột giàu bản sắc, ngoài những gì vốn có của thành phố còn là sự bồi đắp, để đô thị vừa phát triển vừa hòa đồng nhưng vẫn là mình. Và không nên đặt nó thành mục tiêu, bởi động cơ ấy dễ dẫn đến chủ nghĩa hình thức, thủ cựu.
Trục nước là trục phát triển?
TP. Buôn Ma Thuột vốn được bao bọc bởi rừng xanh và ôm trong lòng là những dòng suối. Chính rừng xanh, suối và bến nước đã tạo những nét đặc trưng riêng không phải đô thị nào cũng có được. Nhưng hiện nay, nét đặc trưng đó dần biến mất bởi chính tác động của con người. PGS.TS Lưu Đức Cường, Quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia cho rằng, không gian mặt nước gắn với nó là không gian cây xanh xung quanh mặt nước là một thành tố quan trọng nhất của đô thị. Buôn Ma Thuột là đô thị có tài nguyên khá phong phú cả về nước mặt và nước ngầm với các dòng suối chảy trong lòng phố. Thế nhưng, quá trình đô thị hóa chỉ tập trung cho phát triển kinh tế mà chưa chú ý thích đáng tới việc bảo tồn, bảo vệ không gian nước, đây là thực trạng phát triển chung của đô thị Việt Nam, không chỉ riêng TP. Buôn Ma Thuột. Trong quá trình phát triển, thành phố chưa có sự quan tâm, những dòng suối như: suối Xanh, Ea Nuôl, Ea Tam… trở thành mặt sau, chứ không phải là mặt tiền như nó đáng ra phải xứng đáng. Và việc phát triển đô thị theo trục Quốc lộ 14 với vai trò vừa là quốc lộ vừa là trục chính của thành phố đang làm cho quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, các dòng suối của Buôn Ma Thuột chỉ là nơi thoát nước thải, thậm chí là nơi xả rác, từng bước bị lấn chiếm, tắc nghẽn dòng chảy, lượng nước cũng cạn kiệt dần do tác động của biến đổi khí hậu. Cho nên, chính quyền địa phương cần có định hướng tương lai trong việc khôi phục, khai thác giá trị của các dòng suối…
Một góc TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: H.Gia |
Còn theo PGS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khung thiên nhiên của Buôn Ma Thuột chính là mạng lưới nước. Chữ “Ea” mà ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều ở tên địa danh nơi đây đã nói lên được cội nguồn của đặc trưng. Dựa vào vào nước, vào suối để phát triển khung thiên nhiên ấy để có một cấu trúc không gian đô thị giàu bản sắc. Việc đô thị quay lưng với suối đã vô tình đánh mất báu vật thiên nhiên ban tặng. Bất kỳ một đô thị nào, việc chọn lựa và phát triển luôn phải hướng đến các giá trị tương thích, phù hợp với đặc thù địa lý, nhân văn và lịch sử - văn hóa của từng vùng đất để tạo ra nét đặc trưng. Nên hướng phát triển đô thị Buôn Ma Thuột cần ưu tiên quan tâm đầu tư chất lượng đô thị, hạnh phúc người dân, tình cảm của người dân đối với những giá trị mà vùng đất đã tạo nên, trong đó đặc biệt dành mối quan tâm đầy đủ, đúng mức và cần có những giải pháp cụ thể để cứu những dòng suối này khi chưa quá muộn.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc