Huyện Krông Bông: Nguy cơ "trắng tay" mùa sắn
Giá giảm, công vận chuyển tăng cao lại thêm tác động của thời tiết khiến hàng nghìn héc ta sắn tại huyện Krông Bông giảm năng suất, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Thời điểm này hằng năm, gia đình anh Y Kler Kpơr ở buôn Chứ Pèng, xã Hòa Phong hồ hởi bắt tay vào thu hoạch sắn sau 9 tháng chăm bón. Thế nhưng, năm nay không khí buồn bã bao trùm khi vào vụ thu hoạch mà giá lại rớt thấp. Anh Y Kler Kpơr cho biết, gia đình trồng 1 ha sắn, mọi năm giá trên 1.600 đồng/kg, nhưng năm nay xuống chỉ còn 1.100 - 1.300 đồng/kg.
Đồng cảnh ngộ, gia đình anh Y Blim Niê, buôn T’lier, xã Hòa Phong có 6 nhân khẩu, kinh tế phụ thuộc vào 1 ha sắn nhưng giá sắn giảm không biết sẽ lấy vốn đâu để đầu tư cho vụ tiếp theo. Anh Y Blim tâm sự: “Bình quân các vụ trước gia đình thu khoảng 30 tấn sắn, nhưng năng suất hiện chỉ còn 20 tấn. Thấy đất bạc màu tôi phải bón thêm phân cho cây sắn mỗi năm hai đợt để vừa giữ đất, lại bảo đảm năng suất. Hiện giá sắn giảm, cộng thêm tiền công nhổ sắn và tiền thuê xe vận chuyển, chỉ mong là không bị lỗ”.
Bên cạnh nỗi lo giá giảm, nông dân trồng sắn trên địa bàn huyện Krông Bông còn đối mặt với một khó khăn khác nữa là tiền công vận chuyển tăng cao hơn so với mọi năm. Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, Y Thức Êban cho biết, hiện diện tích sắn của các xã cánh Bắc và cánh Đông của huyện hơn 8.800 ha; trong đó tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như: Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm...
Những năm trước đây, sau khi thu hoạch người dân các vùng này vận chuyển sắn đi qua Tỉnh lộ 9 đến Nhà máy tinh bột sắn Cư Kty (huyện Krông Bông). Đây là con đường huyết mạch để người dân vận chuyển hàng hóa và sản phẩm nông nghiệp sang huyện Krông Pắc và các huyện phía Đông của tỉnh để tiêu thụ. Tuy nhiên, đợt mưa lũ vào cuối năm 2016 đã làm cho trụ chính của cầu Cư Păm trên Tỉnh lộ 9 nối 2 xã Cư Kty và Khuê Ngọc Điền bị sụt lún, khiến mặt cầu bị gãy nhịp giữa, tạo thành hình chữ “V”; gây rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa.
Anh Y Kler Kpơr, buôn Chứ Pèng, xã Hòa Phong đang thu hoạch sắn. |
Hiện nay, cầu Cư Păm đã được khắc phục, sửa chữa nhưng phải hạ tải với tải trọng cho phép là 3 tấn, giới hạn chiều cao 2 mét, nên người dân phải vận chuyển sắn qua Tỉnh lộ 12 ra Quốc lộ 27, sang huyện Krông Pắc rồi mới đến Nhà máy, xa hơn từ 50 đến 60 km nên chi phí vận chuyển tăng cao... Cụ thể như xã Hòa Phong, nếu như mọi năm tiền công vận chuyển sắn là 120.000 đồng/tấn thì năm nay đã tăng lên 200.000 đồng/tấn. Còn ở tại xã Yang Mao tiền công vận chuyển sắn cũng tăng cao hơn so với mọi năm từ 200.000 đồng/tấn đến 250.000 đồng/tấn nên thu nhập từ cây sắn đang bị ảnh hưởng.
Theo ông Y Thức Êban, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông thì, huyện đã có chủ trương sẽ tiến hành xây cầu mới nhưng trước mắt, do bị hạ tải nên công vận chuyển một số nông sản, trong đó có sắn qua cầu Cư Păm vẫn sẽ tăng hơn so với mọi năm... Hiện huyện đã cử cán bộ xuống địa phương tìm hiểu, để từ đó có phương án hỗ trợ người dân trong thời gian tới. Mặt khác, các cấp ngành, địa phương cũng đang tích cực triển khai hỗ trợ về giống, cây trồng, vật nuôi... để giảm bớt gánh nặng về chi phí đầu tư ban đầu cho người dân.
Nguyễn Hoàng
Ý kiến bạn đọc