Nông dân Cư Kuin tập trung phòng chống dịch bệnh cho hồ tiêu trong mùa mưa
Huyện Cư Kuin hiện có gần 4.000 ha hồ tiêu, trong đó có gần 2.400 ha hồ tiêu kinh doanh. Những năm gần đây, trên cây hồ tiêu có nhiều dịch bệnh gây hại, đặc biệt là vào mùa mưa có thể gây chết hàng loạt vườn tiêu trong thời kỳ kinh doanh.
Trong năm 2016, trên địa bàn huyện Cư Kuin có gần 20 ha hồ tiêu bị bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm ở các xã Ea Ning, Ea Hu, Ea Bhốk… Vì vậy, ngay từ đầu mùa mưa năm nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ dịch bệnh thường xuyên gây hại cho cây tiêu.
Gia đình ông Hoàng Thế Hội (buôn Ea Bhốk, xã Ea Bhốk) hiện có 4 sào hồ tiêu đang thời kỳ kinh doanh. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các loại nấm gây bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu, ông Hội chú trọng xây dựng hệ thống thoát nước nhằm chống úng nước trong mùa mưa, vệ sinh vườn tiêu... Gia đình anh Phạm Công Huyên (thôn 24, xã Ea Ning) lại chăm sóc 7 sào hồ tiêu theo cách riêng của mình là dọn vệ sinh vườn tiêu trước mùa mưa, dọn sạch cỏ dại, tỉa bớt cành lá cây choái sống làm cho vườn tiêu thông thoáng có nhiều ánh sáng. Đặc biệt, anh Huyên chú trọng dọn sạch rác và tàn dư thực vật làm cho gốc tiêu luôn khô thoáng, hạn chế sự phát triển của các loại nấm gây bệnh; đồng thời, tiến hành bón phân đúng theo từng thời kỳ phát triển của cây tiêu.
Anh Phạm Công Huyên (thôn 24, xã Ea Ning) cắt tỉa cành già, cành sát mặt đất để gốc tiêu luôn khô thoáng. |
Để hạn chế sâu bệnh phát sinh và gây hại, từ đầu năm 2017 đến nay, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Cư Kuin đã tổ chức 5 lớp tập huấn về chăm sóc cây hồ tiêu cho bà con nông dân ở các xã Ea Ning, Ea Bhốk; đồng thời, tăng cường bám sát cơ sở hướng dẫn bà con cách chăm sóc, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, cành sát mặt đất, bón phân cân đối, đầy đủ, phun bổ sung phân qua lá nhằm hạn chế hiện tượng rụng quả.
Theo các chuyên gia, vào mùa mưa, trên cây hồ tiêu có nhiều loại đối tượng dịch hại nhưng nghiêm trọng nhất là các loại nấm, sâu bệnh gây hại ở rễ, gốc và các đoạn thân chính. Đặc biệt là nấm Phytophthora gây ra bệnh vàng lá chết nhanh; sự kết hợp gây hại của một số loài tuyến trùng như Meloidogyne, Rotylenchus, Pratylenchus và một số loài nấm như Fusarium solani, Pythium và các loài rệp sáp gây bệnh vàng lá chết chậm. Ngoài ra, còn có bệnh tuyến trùng làm hại bộ rễ làm cây hồ tiêu sinh trưởng kém, vàng lá, nếu bệnh nặng cây sẽ héo và chết, bệnh tuyến trùng thường xuất hiện gây hại trong thời kỳ tiêu kinh doanh. Vì thế, theo khuyến cáo, để phòng chống dịch bệnh trên cây hồ tiêu hiệu quả thì bà con nông dân cần chú ý đến cách chăm sóc và bón phân hợp lý; cần bón nhiều phân hữu cơ hoai mục vì trong phân hữu cơ hoai mục có nhiều vi sinh vật có khả năng tiêu diệt các mầm bệnh hại tiêu, cây tiêu càng bón nhiều phân hữu cơ càng ít bệnh, nhất là bệnh vàng lá chết nhanh. Việc phòng trừ dịch bệnh cho vườn tiêu phải được quan tâm đúng mức, tiến hành thường xuyên, không nên để dịch bệnh xảy ra rồi mới tiến hành xử lý thì hiệu quả trị bệnh mang lại không cao, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, hiệu quả kinh tế.
Mỹ Hằng
Ý kiến bạn đọc