Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Cư Suê biến phế phẩm nông nghiệp thành phân bón

09:18, 28/06/2017

Tận dụng phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp, nhất là vỏ cà phê để ủ thành phân hữu cơ vi sinh là mô hình đang được nhiều nông dân xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) áp dụng.

Cách làm này đã mang lại hiệu quả “kép” cho nông dân: vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường vừa giảm thiểu chi phí đầu tư sản xuất.

Gia đình ông Nguyễn Văn Trích (thôn 2) có hơn 1 ha cà phê, bình quân mỗi năm ông thu được khoảng 3 tấn vỏ cà phê. Trước đây, gia đình ông mang lượng vỏ này bón cho cây trồng bằng cách đổ trực tiếp vào gốc cây; tuy nhiên, dinh dưỡng cây hấp thu được từ vỏ không nhiều, lại tạo môi trường lý tưởng cho một số vi sinh vật có hại phát triển gây bệnh cho cây cà phê.

Ông Nguyễn Văn Trích (trái) giới thiệu phân hữu cơ vi sinh được ủ từ vỏ cà phê. Ảnh: T.Dũng
Ông Nguyễn Văn Trích (trái) giới thiệu phân hữu cơ vi sinh được ủ từ vỏ cà phê. Ảnh: T.Dũng

Năm 2010, khi được Hội Nông dân xã tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật ủ phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp, ông Trích và các hộ khác trong thôn đã tận dụng lượng vỏ thu được từ cà phê để ủ thành phân hữu cơ vi sinh. Cách làm này đã bổ sung tốt nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, đồng thời làm giảm đáng kể chi phí đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Với lượng vỏ cà phê thu được, kết hợp với 16 tấn phân chuồng và men vi sinh, sau khoảng 4 tháng, gia đình ông Trích đã tự sản xuất được gần 20 tấn phân hữu cơ vi sinh, chi phí bỏ ra chưa đến 17 triệu đồng… Ông Trích chia sẻ: “Ngày trước, vỏ cà phê được gia đình tôi bón trực tiếp khiến cây cà phê thường bị nấm, phải tốn nhiều chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật… Việc áp dụng mô hình ủ phân vi sinh không những khắc phục được tình trạng trên mà còn giúp cho chúng tôi giảm chi phí mà cây trồng phát triển tốt và bền vững hơn. Trước đây, trên diện tích 1 ha, gia đình tôi thường phải bón từ 5 - 6 tấn phân hóa học, thì giờ giảm xuống chỉ còn 1,8 tấn, thay vào đó là bón phân vi sinh”.

Tương tự, gia đình anh Đăng Văn Huy (thôn 3) cũng tận dụng vỏ cà phê của gia đình để ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Anh Huy cho hay: “Với 1 tấn vỏ thu được từ 3.000 cây cà phê, kết hợp thêm phân chuồng, mỗi năm gia đình tôi sản xuất được 12 – 13 tấn phân vi sinh. Nhờ vậy, lượng phân hóa học bón cho cây trồng từ 3,5 kg/cây giảm xuống còn 500 – 600 gram. Việc thay thế này không chỉ giảm chi phí đầu tư mà còn giúp đất giữ được độ ẩm, không bị bạc màu, cây trồng cũng phát triển tốt hơn”.

Bà Phạm Thị Thu, Chủ tịch Hội nông dân xã Cư Suê cho biết: “Hội Nông dân xã đã tăng cường phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho bà con về quy trình ủ phân vi sinh từ các phế phẩm nông nghiệp. Lúc đầu, do còn e ngại nên số hộ tham gia không nhiều nhưng sau thấy được hiệu quả từ mô hình đem lại, số hộ thực hiện đã tăng đáng kể. Phế phẩm đã qua xử lý vừa tránh được ô nhiễm môi trường, vừa là phân bón. Trên thị trường 1 kg phân vi sinh có giá khoảng 3.300 – 3.600 đồng song nếu người dân tự sản xuất thì giá chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg”.

Thấy được hiệu quả của việc ủ phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp, nông dân xã Cư Suê đã không ngừng nhân rộng mô hình này. Từ khoảng 20 hộ áp dụng cách đây 10 năm, đến nay trên địa bàn xã đã có trên 200 hộ thực hiện mô hình. Theo ước tính của Hội Nông dân xã, bình quân mỗi năm nông dân trên địa bàn tự sản xuất được khoảng hơn 1.000 tấn phân hữu cơ vi sinh.

Trung Dũng - Thanh Tuyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.