Multimedia Đọc Báo in

Nông dân trồng nấm làm chủ công nghệ

09:42, 13/06/2017

Với những thành công của việc ứng dụng khoa học – công nghệ (KHCN) vào sản xuất, người dân trồng nấm đã thực sự làm chủ KHCN khi có thể cho nấm ra đúng ngày, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với hiệu quả kinh tế cao và thu nhập ổn định, những năm qua, nghề trồng nấm đã phát triển mạnh tại các địa phương như TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Ana, Cư Kuin, Cư M’gar... Nhiều nông dân đã có thể làm chủ công nghệ khi họ có thể cho nấm ra đúng ngày mình cần để dễ tiêu thụ, bán được giá cao.

Được biết, trước đây việc sản xuất nấm chủ yếu theo phương pháp truyền thống là treo đứng và rạch nhiều vết trên bịch nấm nên mức độ rủi ro cao do côn trùng phá hoại, tốn nhiều công lao động, chịu tác động lớn của thời tiết, sản phẩm cho thu hoạch không theo dự kiến và chất lượng không cao, tốn diện tích… Không những thế, việc sản xuất nấm mới chỉ dừng ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa tạo ra lượng nấm thương phẩm ổn định và đảm bảo an toàn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, hầu hết các hộ dân trồng nấm trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang trồng theo kiểu treo ngang bịch nấm và cho nấm ra cổ, cách làm này không chỉ khắc phục được những nhược điểm trên mà còn cho năng suất cũng cao hơn.

 Mô hình  sản xuất  nấm sò  tại  Trung tâm  dạy nghề huyện  Krông Ana.
Mô hình sản xuất nấm sò tại Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana.

Tại huyện Krông Ana, hơn 2 năm nay, nhiều hộ dân các xã Dray Sáp, Quảng Điền và thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) đã mạnh dạn đầu tư và mở rộng diện tích trồng nấm khi Trung tâm dạy nghề huyện triển khai thực hiện có hiệu quả đề tài KHCN “Xây dựng mô hình trồng nấm sò và nấm linh chi”. Một trong những mô hình triển khai có hiệu quả việc ứng dụng KHCN trong việc trồng nấm là hộ ông Nguyễn Ngọc Chỉnh (Tổ dân phố 7, thị trấn Buôn Trấp). Theo ông Chỉnh, tận dụng hơn 400 m2 đất xung quanh nhà, ông đã xây dựng nhà trại để sản xuất nấm mèo, nấm sò và nấm linh chi; đặc biệt, nhờ ứng dụng KHCN vào quá trình trồng và chăm sóc đã giúp  ông có thể tự điều chỉnh được thời gian thu hoạch nấm vào các ngày 1 và 15 (âm lịch) nên sản lượng nấm của gia đình đều dễ dàng tiêu thụ với mức giá cao, trung bình mỗi năm ông Chỉnh thu về gần 200 triệu đồng.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 250 – 300 trang trại trồng nấm, chủ yếu là nấm rơm, sò, mèo, linh chi. Hiện nay, giá bán nấm sò trung bình từ 18.000 – 30.000 đồng/kg, nấm rơm từ 50.000 – 70.000 đồng/kg, nấm linh chi từ 500.000 – 700.000 đồng/kg.

Hay như tại địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, hiện nay số hộ trồng nấm đang có xu hướng tăng với trên 100 hộ có quy mô từ 10.000 bịch trở lên, cho thu nhập bình quân từ 100-200 triệu đồng/năm. Ngoài việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào điều tiết sản lượng hằng ngày trong sản xuất nấm sò, nấm rơm, nấm linh chi thì nấm chân dài cũng đang được nhiều hộ đưa vào sản xuất.  Được biết, sau các mô hình “Sản xuất thử nghiệm nấm chân dài tại tỉnh Đắk Lắk” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh  thực hiện cho thấy, khả năng sinh trưởng, năng suất, hiệu quả kinh tế và khả năng nhân rộng nấm chân dài rất phù hợp với thổ những, khí hậu ở địa phương.

Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất nấm không chỉ góp phần giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp địa phương tận dụng được nguồn phế thải từ lúa, ngô, sắn, mùn cưa tạp; đặc biệt là nguyên liệu rơm. Điều này vừa góp phần tạo ra sản phẩm sạch, giúp nông dân làm giàu vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển nền nông nghiệp xanh.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.