Triển vọng từ cây lúa thảo dược
Lúa thảo dược có nguồn gốc từ Ấn Độ, được ông Phan Văn Hòa (người sáng lập Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa - Nghệ An) lai tạo và đưa vào trồng ở Việt Nam từ đầu năm 2008, sau đó đặt tên là lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1 (VH1).
Theo kết quả nghiên cứu, gạo thảo dược có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vi chất, vi lượng, chất béo thực vật và các vitamin A, B, li-pít, can xi, sắt, chất xơ, omega6, omega9, oryzanol, sắt, kẽm… có tác dụng bổ máu, chống ung thư, chống loãng xương cao, rất tốt cho tim mạch. Gạo thảo dược còn giúp ổn định đường huyết nên có thể chế biến làm thuốc. Ngoài ra, thân cây lúa thảo dược chứa các vi chất omega 3, 6, 9 với hàm lượng cao, sau khi gặt có thể tận dụng rơm làm trà thảo dược.
Ruộng lúa thảo dược bắt đầu vào vụ thu hoạch của ông Đặng Văn Thơm ở thôn 2. |
Những năm gần đây, giống lúa này được nhiều người biết đến và được trồng ở một số tỉnh thành trong cả nước… Tại Đắk Lắk, lúa thảo dược VH1 được trồng đầu tiên ở TP. Buôn Ma Thuột vào năm 2014.
Được sự đồng ý của UBND tỉnh và Sở Khoa học - Công nghệ, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Bông, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Huyền (Viện Công nghệ Sinh học - Môi trường, Trường Đại học Tây Nguyên) và nhóm nghiên cứu đã xây dựng và thực hiện Đề tài xây dựng mô hình trồng giống lúa thảo dược VH1 tại xã Hòa Lễ để giới thiệu giống lúa mới chất lượng cao cho nông dân, đồng thời đánh giá sự thích nghi của giống lúa này tại địa phương. Theo đó, từ tháng 9-2016, lúa thảo dược VH1 (giống do Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa cung cấp) được 13 hộ dân tại các thôn 2, 11 và 12 (xã Hòa Lễ) gieo trồng trên diện tích 6 ha.
Theo đánh giá của ông Đặng Văn Thơm ở thôn 2, cây lúa thảo dược tốn ít chi phí giống (4kg/sào), khả năng đẻ nhánh khỏe và nhanh, thân cây mập, chắc, không đổ ngã, cho năng suất cao hơn các giống lúa khác... Trong hội thảo tổng kết và đánh giá kết quả của Đề tài xây dựng mô hình trồng giống lúa thảo dược VH1 tại xã Hòa Lễ mới đây của nhóm thực hiện đề tài cho thấy, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, thời gian sinh trưởng dài hơn các giống lúa khác mà địa phương đã sản xuất (140 - 145 ngày), lúa trổ đều và dễ thu hoạch, chiều dài bông lúa trên 20 cm, bình quân hạt chắc đạt trên 200 hạt/bông, năng suất trung bình đạt 7-9 tấn/ha. Hạt gạo thảo dược VH1 có mùi thơm nhẹ, cơm dẻo, ngon và giàu dinh dưỡng.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Bông cho biết, với giá doanh nghiệp hợp đồng thu mua hiện tại là 10 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ giống lúa thảo dược cao hơn nhiều so với các giống lúa khác. Vì thế, thời gian tới, Phòng sẽ đề nghị với UBND huyện xem xét, nghiên cứu nhân rộng diện tích.
Ngoài 2 mô hình quy mô 6 ha do nhóm thực hiện đề tài xây dựng, một số hộ dân trên địa bàn xã Hòa Lễ cũng trồng giống lúa thảo dược này trong vụ đông xuân 2016-2017 để cung cấp cho người dân địa phương với giá 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Huyền, mô hình trồng lúa thảo dược cho thấy có nhiều triển vọng, hiệu quả kinh tế cao, thích nghi tốt với điều kiện địa phương và chi phí đầu tư thấp. Tuy đã có hiệu quả bước đầu, nhưng giống lúa này chưa có trong cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp huyện nên người dân không nên trồng ồ ạt, cần trồng khi có quy hoạch, chủ trương và đầu ra ổn định.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc