Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng chuỗi giá trị sản xuất gắn với hợp tác xã nông nghiệp

13:47, 18/06/2017

Sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đang là yêu cầu cấp bách đối với các HTX nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của riêng HTX mà cần nhiều yếu tố hỗ trợ.

Mô hình liên kết chuỗi chưa nhiều

Đắk Lắk hiện có 176 HTX nông nghiệp, trong đó có 120 HTX đang hoạt động. Nhiều HTX nông nghiệp đã từng bước đổi mới mô hình hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp, sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa..., tuy nhiên, do vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi đã khiến đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh. Đơn cử như có nhiều HTX sản xuất rau an toàn đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm làm ra, nhưng cho đến nay vẫn loay hoay tìm đầu ra, nguyên nhân chủ yếu là do rau an toàn vẫn chưa tạo được niềm tin cho đa số người tiêu dùng về sự tuân thủ quy trình sản xuất, bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ… Vì vậy, số lượng rau này được tiêu thụ ở các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể… còn quá ít so với năng suất thực tế. Phần lớn rau an toàn phải tiêu thụ qua thương lái với giá “cào bằng” như các loại rau sản xuất theo truyền thống. Ông Phan Đình Xuân, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại Hợp Nhất (huyện Ea Kar) cho biết, HTX hiện có 9 thành viên với 3 ha rau an toàn, nhưng đầu ra vẫn gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm chủ yếu được cung cấp cho các thương lái hoặc đem bán ngoài chợ truyền thống…

Nông dân thu hoạch sản phẩm rau, quả ở HTX sản xuất rau an toàn Toàn Thịnh (huyện Cư M’gar).
Nông dân thu hoạch sản phẩm rau, quả ở HTX sản xuất rau an toàn Toàn Thịnh (huyện Cư M’gar).

Theo Liên minh HTX tỉnh, trên địa bàn Đắk Lắk hiện đã có nhiều doanh nghiệp (DN) hợp tác với HTX để tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, Công ty TNHH DakMan Việt Nam liên kết được khoảng 10 HTX, hằng năm tiêu thụ được khoảng 5.000 tấn cà phê theo tiêu chuẩn Flo, RFA, UTZ, 4C. DN này đã có sự quan tâm từ khâu tập huấn cho nông dân, giám sát quá trình sản xuất và nông dân có thể ký gửi sản phẩm để ứng tiền trước và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, còn có Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk cũng đã liên kết với một số HTX để thực hiện sản xuất theo chuỗi ở lĩnh vực cà phê, mía đường… Những liên kết này rất tốt nhưng chưa nhiều, nguyên nhân là do việc đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều rủi ro nên phần lớn các DN không mặn mà. Bên cạnh đó, nhiều DN chưa đủ mạnh, chưa tiếp cận được thị trường tiêu thụ ở nước ngoài để “đỡ đầu” cho nông dân; chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn dù đã có nhưng chưa đồng bộ hoặc chưa hấp dẫn để thu hút DN.

Xây dựng chuỗi liên kết không chỉ riêng ngành nông nghiệp

Ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, Đắk Lắk có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp, nhất là các cây chủ lực như cà phê, tiêu, ca cao…, do đó, nhu cầu liên kết giữa các HTX với nhau, giữa HTX với DN là hết sức cần thiết. Đặc biệt, trong sản xuất theo chuỗi phải có sự gắn kết, DN phải tham gia ngay từ đầu của quá trình sản xuất, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân, giám sát thực hiện các quy trình để cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy nguyên được nguồn gốc.

HTX nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar) cung ứng vật tư cho nông dân.
HTX nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar) cung ứng vật tư cho nông dân.

Trên thực tế, vấn đề liên kết HTX để sản xuất theo chuỗi đã được Liên minh HTX Việt Nam quan tâm khi Đắk Lắk có tới 2 HTX (cà phê và ca cao) được chọn vào đề án tổng thể phát triển 20 chuỗi giá trị sản phẩm HTX của Liên minh HTX Việt Nam. Bên cạnh đó, trong Đề án Phát triển kinh tế tập thể tỉnh giai đoạn 2016-2020, nội dung hỗ trợ HTX phát triển theo chuỗi một số giá trị ngành hàng cũng đã được quan tâm. UBND tỉnh đã giao cho Liên minh HTX tỉnh phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi. 

Trong năm 2017, Liên minh hỗ trợ cho 6 đơn vị, trong đó có 5 đơn vị theo chuỗi, gồm HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar), HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Kmát (Krông Pắc), HTX sản xuất nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Minh Toàn Lợi (Krông Năng) về lĩnh vực cà phê. Đối với HTX nông nghiệp 714 (Ea Kar) thì sản xuất chanh dây gắn kết với DN bao tiêu sản phẩm, chanh dây được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế (Flo), loại 1, 2 xuất cho thị trường nước ngoài, còn lại thì cấp đông (hiện đang xây dựng nhà máy cấp đông). HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông) gắn với chuỗi của mía đường, sản xuất tập trung mía giống (15 ha). Trong nguồn vốn XDNTM, tỉnh cũng đã phân bổ cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trên 10,7 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, với mức từ 440-750 triệu đồng/huyện…

Tuy nhiên, để việc này thành công thì không chỉ đơn lẻ mình ngành nông nghiệp mà cần có sự tham gia của các ngành, các cấp để mô hình lan tỏa. Bởi khi có một vài điểm bị nghẽn thì sẽ nghẽn luôn cả chuỗi, mà cái chính của sản xuất theo chuỗi là làm sao mang lợi ích cho các tác nhân tham gia chuỗi.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc