Xây dựng mô hình điểm sản xuất cà phê bền vững
Trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức tại Đắk Lắk vào tháng 3-2017, Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (Đồng Nai) và Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền đã ký bản ghi nhớ 3 bên về việc “Thành lập Quỹ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất cà phê bền vững theo chuỗi giá trị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột”.
Theo đó, ngay sau Lễ hội, hai doanh nghiệp trên cùng với Sở NN-PTNT khảo sát, đánh giá và xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng theo chuỗi, tập trung tại 12 thôn, buôn của xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột).
Gia đình ông Y Lê Wi Niê, một trong hai hộ được chọn làm mô hình điểm tái canh cà phê. |
Theo sự thỏa thuận giữa các bên trong cuộc họp ngày 12-6 vừa qua tại TP. Buôn Ma Thuột - cuộc họp đầu tiên từ sau Lễ ký kết, Chương trình sẽ chọn 2/21 hộ nông dân buôn Ko Tam (xã Ea Tu) đã đăng ký tham gia chương trình để xây dựng 2 mô hình điểm.
Cụ thể, hai hộ dân sẽ được đầu tư 100% kinh phí thực hiện tái canh gồm: cây giống cà phê ghép, phân bón, phân tích mẫu đất, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, tập huấn kỹ thuật… với điều kiện hai hộ phải tham tham gia các lớp tập huấn do chương trình tổ chức; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật do chương trình hướng dẫn; mở sổ (nhật ký nông hộ) ghi chép đầy đủ các nội dung công việc trong quá trình thực hiện; tạo điều kiện để các hộ nông dân trong vùng tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất; khi có sản phẩm thu được từ mô hình phải ký kết hợp đồng bán sản phẩm theo yêu cầu của nhà tài trợ. 19 hộ còn lại sẽ được hỗ trợ 100% chi phí cây giống, phân tích mẫu đất, tập huấn và 50% chi phí phân bón với điều kiện phải tham gia các lớp tập huấn do chương trình tổ chức; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật do chương trình hướng dẫn; ghi chép đầy đủ các nội dung công việc trong quá trình thực hiện; bảo đảm đủ vốn đối ứng và lao động đầu tư cho vườn cà phê...
Dự kiến, tháng 7-2017, Chương trình sẽ tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững lần 1 để giao giống cà phê cho 16 hộ thực hiện tái canh năm nay; giới thiệu về các loại giống và kỹ thuật chọn giống cà phê đạt chuẩn; kỹ thuật trồng mới, tái canh; công bố kết quả phân tích đất...
Ông Y Lê Wi Niê, buôn Ko Tam cho biết, 0,5 ha đất của gia đình trước đây đã được trồng cà phê nhưng già cỗi, năng suất kém nên năm 2015 ông đã nhổ bỏ, cải tạo đất bằng cách luân phiên trồng các loại hoa màu 2 năm nay. Ông rất phấn khởi khi biết gia đình nằm trong danh sách 2 hộ dân được hỗ trợ 100% chi phí kiểm tra mẫu đất, phân bón, cây giống và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê tái canh, bởi việc trồng tái canh cà phê trên đất cũ chi phí đầu tư rất lớn và khó thành công.
Gia đình ông Y Lê Wi Niê đang trồng ngô để cải tạo đất tái canh cà phê. |
Ông Bùi Tá Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tu chia sẻ, cà phê là cây trồng mang lại nguồn thu chính cho người dân địa phương với hơn 1.400 ha, nhưng hiện nay diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp cần tái canh chiếm khoảng 30% và không ngừng tăng qua các năm. Việc tái canh hiện đang gặp khó khăn về kinh phí, kỹ thuật trồng, vấn đề sâu bệnh hại sau tái canh... Vì vậy, đây là cơ hội lớn giúp bà con tiếp cận mô hình tái canh cà phê hoàn chỉnh để áp dụng cho vườn cây của mình, đặc biệt là việc sử dụng phân bón, nước tưới hợp lý nhằm mục đích sản xuất cà phê với chi phí ít hơn nhưng vẫn bảo đảm lợi nhuận. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, việc sơ chế, phơi sấy nông sản nói chung, cà phê nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do cây trồng này thu hoạch vào mùa mưa, địa phương rất mong muốn Chương trình hỗ trợ máy móc, kỹ thuật nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng nông sản.
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị hạt cà phê Buôn Ma Thuột theo chuỗi, đây là mô hình mở (mở rộng diện tích, đối tượng tham gia) và có ý nghĩa lớn đối với ngành cà phê nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Vì vậy, đây cũng là kiểu mẫu của cách tổ chức lại ngành cà phê - gom những hộ nông dân sản xuất cà phê nhỏ lẻ thành một tổ chức nông dân (HTX, tổ hợp tác) trong mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp để người dân được hưởng lợi nhiều nhất. Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra thì các bên cần ngồi lại với nhau nhiều hơn để cùng thực hiện nhiệm vụ, thể hiện vai trò, vị trí của mình trong chuỗi gia tăng giá trị hạt cà phê.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc