Multimedia Đọc Báo in

Để "vàng đen" không còn "đen" (Kỳ 1)

07:32, 10/07/2017

Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới với giá trị hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, nội tại ngành hồ tiêu đang đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro từ nhiều phía.

Kỳ 1: Vỡ mộng “vàng đen”

Được mệnh danh là “vàng đen”, cây hồ tiêu mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Tuy nhiên, vì chạy theo lợi nhuận mà nông dân ồ ạt trồng tiêu thiếu bền vững, chất lượng thấp đang đẩy nông sản này trở về mốc xuất phát.

Giá tiêu tuột dốc

Từ năm 2010, giá hồ tiêu bắt đầu tăng cao so với các nông sản khác, đỉnh điểm là năm 2012 lên đến 220.000 đồng/kg khiến nông dân ồ ạt chặt bỏ các loại cây trồng khác để chạy đua trồng tiêu với giấc mộng đổi đời, làm giàu từ loại nông sản này. Tuy nhiên, giá hồ tiêu thế giới thay đổi liên tục, với biên độ dao động mạnh khiến giá hồ tiêu trong nước cũng tuột dốc không phanh. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, hồ tiêu liên tục trượt giá và chạm đáy vào thời điểm hiện nay ở mức 70.000-75.000 đồng/kg khiến người chạy đua trồng tiêu vỡ mộng.

Cây hồ tiêu trên vùng đất mới xã Ea Lai, huyện M’Đrắk.
Cây hồ tiêu trên vùng đất mới xã Ea Lai, huyện M’Đrắk.

Ông Trần Ngọc Cảnh, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, gia đình ông có 0,5 ha cà phê, năm 2012 ông thấy giá hồ tiêu cao ngất, đã mua giống tiêu Vĩnh Linh về trồng xen trong vườn cà phê và dự định khi nào hồ tiêu phát triển xanh tốt sẽ chặt bỏ hẳn cà phê. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, giá tiêu có chiều hướng đi xuống khiến ông mất ăn mất ngủ. Vụ tiêu năm 2016-2017 gia đình thu được hơn 1 tấn (thời điểm đó giá giảm còn hơn 100.000 đồng/kg) nên gia đình chưa bán, để chờ giá lên, nhưng giá tiêu giờ đã chạm đáy nên hơn 1 tấn tiêu của ông vẫn chưa bán được. Còn ông P.V.T ở thị xã Buôn Hồ thì vào năm 2013 đã vay vốn ngân hàng hơn 500 triệu đồng, cộng với số tiền tích lũy nhiều năm mua cây giống, đổ trụ bê tông trồng hồ tiêu trên diện tích 1,5 ha (đất cà phê trước đó) nên việc chăm sóc rất vất vả, thường xuyên phải trồng dặm mới giữ được vườn. Vụ tiêu 2016-2017 vừa qua, gia đình thu hoạch được hơn 3 tấn và đã bán 1 tấn với giá 100.000 đồng/kg, số còn lại đành giữ lại chờ giá lên.            

Nguy cơ khủng khoảng thừa toàn cầu

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, năm 2006, diện tích hồ tiêu Việt Nam chỉ chiếm 6% tổng diện tích hồ tiêu thế giới, sản lượng chiếm 18%, đến năm 2016, diện tích chiếm khoảng 25,8%, sản lượng chiếm 41,7%, trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu số một thế giới. Ước tính, cả nước hiện có khoảng 126.820 ha hồ tiêu (trong đó 27.700 ha trồng mới), vượt hơn 76.000 ha so với quy hoạch đến năm 2020. Riêng tại Tây Nguyên hiện có 72.800 ha (chiếm 57,5% tổng diện tích hồ tiêu cả nước), Đông Nam bộ 45.257 ha (chiếm 35,7%), Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long 6,9%. Đắk Lắk hiện đứng thứ 2 cả nước về diện tích hồ tiêu với 27.385 ha, vượt hơn 10.000 ha so với quy hoạch đến năm 2020. Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, giá tiêu tăng cao trong thời gian qua không phải là giá thực của nó mà giá thực là giá hiện nay đang được thương mại trên thị trường. Đặc biệt, bản thân hồ tiêu là cây gia vị, sản phẩm có thể bảo quản được lâu, nhưng việc bảo quản phải đúng cách để giữ nguyên chất lượng, còn đầu ra lại phụ thuộc vào người tiêu dùng quốc tế bởi sản phẩm chủ yếu là để xuất khẩu.

Nông dân xã Ea Ning, huyện Cư Kuin thu hoạch hồ tiêu.
Nông dân xã Ea Ning, huyện Cư Kuin thu hoạch hồ tiêu.

 

Tại Việt Nam, tính đến hết tháng 4-2017, giá xuất khẩu tiêu đen bình quân chỉ đạt 5.794 USD/tấn (giảm 1.885 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2016), tiêu trắng 8.698 USD/tấn (giảm 2.803 USD/tấn). 

Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), tổng nguồn cung hồ tiêu thế giới đang tăng nhanh, chủ yếu do mở rộng diện tích hồ tiêu của Việt Nam và Campuchia. Ước tính, nhu cầu hồ tiêu thế giới tăng trung bình 4% mỗi năm, nhưng thực tế mức tăng thấp hơn khiến sản phẩm tồn đọng, kéo theo nguy cơ cao là khủng hoảng thừa hồ tiêu trên toàn cầu. Do vậy, thương mại hồ tiêu đang có xu hướng chững lại, các nước nhập khẩu không muốn đầu cơ, dự trữ lâu dài đồng thời có nhiều lựa chọn khác khi mua hàng khiến việc xuất bán của các doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn hơn. Giá cả đi xuống và đòi hỏi về chất lượng khắt khe hơn là những dấu hiệu chính trong thương mại hồ tiêu hiện tại, giá hồ tiêu đang giảm mạnh tại các nước Ấn Độ, Việt Nam, Sri Lanka, Malaysia, Brazil…

(Còn nữa)

Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.