Multimedia Đọc Báo in

Để "vàng đen" không còn "đen" (Kỳ 2)

08:50, 11/07/2017

Kỳ 2: Câu chuyện chất lượng và thị trường hồ tiêu*

Khoảng 5 năm trở lại đây, tình trạng đối tác nước ngoài trả lại hàng do tồn dư hóa chất đối với nông sản xuất khẩu nói chung, hồ tiêu nói riêng không còn là vấn đề mới của ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Khi “thượng đế” lên tiếng

Tháng 5 - 2014, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đã bị một số nước Châu Âu (Đức, Hà Lan) trả lại hàng và chịu mọi phí tổn: vận chuyển, hợp đồng… do dư lượng hoạt chất Carbendazim vượt mức cho phép (0,1 mg/kg). Tháng 10-2014, ông Michio Nozaki, Chủ tịch Hiệp hội gia vị Nhật Bản gửi văn bản cảnh báo tới các DN xuất khẩu Việt Nam, nếu không cam kết chất Carbendazim gần bằng 0 thì Nhật Bản sẽ không nhập khẩu tiêu Việt Nam. Mới đây, Đài Loan từ chối nhập khẩu 25 tấn tiêu đen Việt Nam vì phát hiện tồn dư lượng thuốc trừ sâu lớn, và đây là 1/12 mặt hàng bị từ chối nhập khẩu trong cuộc điều tra của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan (FDA) vào tháng 6 vừa qua.

Còn theo báo cáo của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS), năm 2016 có 17 trường hợp hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sang EU phát hiện dư lượng 9 hoạt chất bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức quy định gồm Carbendazim, Hexaconazole, Diafenthiuron, Chlorfenapyr, Carbofuran, Ethylene oxide, Methamidophos, Acephate, Metalaxyl. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tuy không có lô hàng nào có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép nhưng lại có 1 lô hàng bị cảnh báo vì nấm mốc.

Một vườn tiêu tại thị xã Buôn Hồ bị bệnh.
Một vườn tiêu tại thị xã Buôn Hồ bị bệnh.

Các thông tin về việc tồn dư hoạt chất thuốc BVTV vượt mức cho phép đã được ngành chức năng công bố rộng rãi trên toàn quốc, các DN sản xuất, kinh doanh hồ tiêu cũng đã có những giải pháp khắc phục, tuy nhiên, việc xuất khẩu hồ tiêu đang ngày càng khó khăn hơn khiến người trồng tiêu không khỏi lo lắng. Ông Đoàn Văn Thống, xã Ea Tân (Krông Năng) có 2 ha hồ tiêu cho biết, ông đã được phía DN thu mua cảnh báo về vấn đề dư lượng hoạt chất thuốc BVTV trong hồ tiêu. Từ đó, trong quá trình sản xuất gia đình từng bước hạn chế việc sử dụng thuốc hóa học trên vườn, đồng thời sử dụng các chế phẩm sinh học để áp dụng trên vườn cây. Tuy nhiên, hiện nay giá tiêu trên thị trường chỉ còn hơn 70.000 đồng/kg, trong khi đó giá hồ tiêu thế giới vẫn hơn 7 USD/kg khiến nông dân trồng tiêu thua thiệt. 

Thương mại hồ tiêu ngày càng khó

Tồn dư hóa chất thuốc BVTV trong hồ tiêu là thực trạng khiến việc thương mại ngày càng khó khăn bởi 97% hồ tiêu Việt Nam là dành cho xuất khẩu. Trong khi đó, từ năm 2015, Châu Âu (thị trường chiếm 60% thị phần) và Mỹ (35%) đã sửa đổi và hoàn thiện Luật An toàn thực phẩm mới nhằm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng của nước họ; các đối tác Mỹ, Anh, Canada nhiều lần lên tiếng cảnh báo về chất lượng hồ tiêu Việt Nam, trong đó có vấn đề dư lượng thuốc BVTV. Riêng Mỹ và Canada cấm tuyệt đối hoạt chất Carbendazim tồn dư trên hạt tiêu nhập khẩu. Châu Âu cảnh báo tồn dư các chất: Carbendazim, Biphenyl, Cypermethrin, Metalaxyl, Promocab, Anthraquinon.

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho biết, MRLs đối với hồ tiêu nhập khẩu vào Châu Âu hiện nay có 468 hoạt chất. Như vậy, chỉ cần tồn dư 1 trong 468 hoạt chất nói trên thì lô hàng đó sẽ bị trả lại.

Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, cuối năm 2016, Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA) gửi “tối hậu thư” cảnh báo dư lượng hoạt chất Metalaxyl trong hồ tiêu của Việt Nam. Theo đó, Ủy ban Châu Âu (EC) đã kiến nghị lên WTO giảm dư lượng Metalaxyl trong hồ tiêu từ 0.1 ppm xuống còn 0,05ppm. Tuy nhiên, dư lượng tối đa đối với Metalaxyl cho phép tồn dư trên hạt tiêu nhập khẩu vào Châu Âu từ nhiều năm nay vẫn là 0,1ppm và các kết quả nghiên cứu của Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) thì mức quy định về dư lượng hóa chất (MRLs) 0,1 ppm của Metalaxyl không có ảnh hưởng gì tới sức khoẻ người tiêu dùng (ngày 2-4-2015). Hồ tiêu là mặt hàng gia vị, được sử dụng như một thực phẩm cho thêm với lượng dùng rất ít trong các bữa ăn. Trong khi đó, mức MRLs của Metalaxyl áp dụng trên các loại nông sản khác như quả táo hay lê là 1 ppm, nho 2 ppm. Dựa trên căn cứ đó, Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi kiến nghị lên WTO và được đồng ý giữ nguyên mức MRLs của Metalaxyl 0,1 ppm.

Trên thực tế, các lô hàng hồ tiêu trước khi xuất khẩu sang các nước đều được DN Việt Nam kiểm tra mẫu kỹ lưỡng từ trước hoặc lấy mẫu ngẫu nhiên gửi các nước nhập khẩu kiểm tra, thế nhưng lượng hàng xuất khẩu tương đối lớn và thường phải thu mua của nhiều nông hộ khác nhau, do đó tính đồng đều trên sản phẩm đạt thấp. Mặt khác, phía kiểm soát dư lượng của các nước nhập khẩu là các cơ quan công quyền, kiểm tra vì mục đích bảo vệ sức khỏe cho công dân của nước họ, vì vậy nếu hàng không bảo đảm yêu cầu đều bị trả lại.

(Còn nữa)

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc