Multimedia Đọc Báo in

Dược liệu quý trước nạn khai thác tận diệt

13:24, 17/07/2017

Đắk Lắk được thiên nhiên ưu đãi nên có hệ thực vật rừng rất phong phú, trong đó có nguồn tài nguyên cây thuốc quý. Tuy nhiên, những năm gần đây, nạn khai thác theo kiểu “vét sạch” đang khiến nhiều loài cây thuốc quý hiếm đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

Theo Hội Đông y tỉnh, những vùng rừng tập trung nhiều loài cây thuốc quý là ở huyện Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Bông, Krông Năng… Để có nguồn dược liệu tự nhiên phục vụ việc chữa bệnh, các cửa hàng bán thuốc đông y thường thuê đội ngũ người dân tộc bản địa hiểu biết về cây thuốc vào rừng tìm kiếm, khai thác. Tuy nhiên, những năm gần đây, không ít tư thương khắp nơi cũng đổ xô về đặt hàng lùng mua các loại cây thuốc quý, khiến việc khai thác dược liệu trở nên ồ ạt.

Anh Y Lik Niê ở buôn Yang Lành (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) với kinh nghiệm 10 năm hành nghề hái thuốc cho biết, trước đây, những loại cây thuốc hái trong rừng như Tơm trơng, Nạm dịa hùa (có tác dụng bổ máu, tăng cường sinh lực), Săm H’liêng, Mật nhân (tác dụng mát gan, tiêu độc), Thổ phục linh (lọc máu, giải độc)... rất dễ kiếm. Mỗi ngày anh có thể hái được gần 1 tạ cây dược liệu các loại, bán được khoảng 300 - 500 nghìn đồng. Bây giờ, nhu cầu thu mua dược liệu của tư thương cao, giá cũng khoảng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy từng loại (cao gấp đôi) nên nhiều người dân thi nhau vào rừng tìm kiếm, chặt cả cây, đào rễ đem bán. Nhiều loại cây thuốc như Thổ phục linh, Nạm dịa hùa… giờ rất khó tìm.

Y sĩ Khăm Phết Lào (buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, để chế biến những thang thuốc gia truyền Ama Kông, lâu nay gia đình ông vẫn thường thuê bà con trong dòng tộc đi hái ở một số vùng đồi, rừng ở Buôn Đôn, Ea Súp. Những năm gần đây, để hái được những loại cây có trong thành phần thuốc Ama Kông thì bà con phải đi xa hơn, vất vả hơn, mà có khi đi cả ngày vẫn không hái được thuốc.

Người dân đưa dược liệu khai thác trong rừng đến nhập cho các  quầy hàng  ở chợ  Buôn Ma Thuột.
Người dân đưa dược liệu khai thác trong rừng đến nhập cho các quầy hàng ở chợ Buôn Ma Thuột.

Thời gian gần đây, lực lượng kiểm lâm của Vườn Quốc gia Yok Đôn phát hiện nhiều nhóm người lén lút vào rừng khai thác cây dược liệu theo kiểu “đào tận gốc, trốc tận rễ” với số lượng lớn. “Rất khó phát hiện và ngăn chặn tình trạng tận diệt cây dược liệu, bởi đây không phải là hình thức khai thác gỗ. Biện pháp chủ yếu của chúng tôi vẫn là phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thấy rõ tác hại của việc khai thác tận diệt nguồn dược liệu quý. Nhưng vì đời sống khó khăn, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số còn hạn chế nên chỉ cần thấy có lợi nhuận trước mắt là họ đổ xô đi khai thác không thương tiếc”- một cán bộ kiểm lâm chia sẻ.

Theo bác sĩ  Đoàn Anh Tài, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, để góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả nguồn cây dược liệu quý của địa phương, các cấp Hội Đông y trong tỉnh đang phối hợp với Trung tâm y tế cấp huyện thực hiện ươm, nhân giống một số loại cây dược liệu có trên địa bàn, đồng thời xây dựng vườn cây thuốc nam mẫu trong khuôn viên trạm y tế xã để vừa phục vụ nhu cầu chữa bệnh, vừa giới thiệu công dụng của các loại cây dược liệu qua đó khuyến khích cộng đồng nhân rộng. Cùng với đó, Hội Đông y các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Năng cũng đang liên hệ với một số doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược trong nước ký hợp đồng liên kết đầu tư vùng nguyên liệu cho người dân trồng một số loại cây dược liệu như đinh lăng, đương quy (giúp giải độc cơ thể, mát gan, chữa mất ngủ…), Tô mộc (trị tiêu chảy), Huyết đằng, gấc (bổ máu)…

Thực trạng khai thác dược liệu bừa bãi nói trên đây đòi hỏi các ngành chức năng tỉnh, địa phương cần nhanh chóng có biện pháp chấn chỉnh tình trạng khai thác, mua bán cây dược liệu tự nhiên hiện nay. Cùng với đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ, nghiên cứu để đưa chương trình nuôi trồng cây dược liệu vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần bảo tồn được những loài thực vật có tác dụng chữa bệnh một cách bền vững, lâu dài.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.