Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ thiên tai tại huyện Krông Ana: Vẫn còn nhiều bất cập

15:37, 19/07/2017

Nhằm chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai năm 2016, Nhà nước đã có chủ trương hỗ trợ về vật chất cho những hộ bị thiệt hại. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có nhiều vấn đề bất cập khiến dư luận không đồng tình.

Năm 2016, toàn huyện Krông Ana có trên 4.109 ha lúa bị thiệt hại do ngập lụt (trên 371 ha thiệt hại hơn 70%, 3.738 ha thiệt hại từ 30-70%); khoảng 2.317 ha cà phê bị hạn hán (500 ha thiệt hại trên 70%, 1.817 ha thiệt hại từ 30-70%), còn lại là diện tích không bị ảnh hưởng hoặc thiệt hại dưới 30% không thuộc diện hỗ trợ.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Ana Võ Văn Nam cho biết, theo quy trình, sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương thông báo cho người dân thống kê diện tích bị thiệt hại. Diện tích thiệt hại và danh sách được hỗ trợ niêm yết công khai tại UBND các xã, thị trấn 15 ngày nếu không có khiếu nại gì, địa phương sẽ tiến hành giải ngân. Theo quy trình đó, từ cuối tháng 12-2016, Phòng NN-PTNT đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo giải ngân tiền hỗ trợ thiệt hại cho bà con, trong đó, diện tích lúa bị thiệt hại, địa phương đã hỗ trợ xong hạt giống để bà con gieo cấy lại; riêng đối với diện tích cà phê bị thiệt hại do khô hạn, huyện hỗ trợ bằng tiền mặt. Tất cả mức hỗ trợ đều thực hiện theo Quyết định 49/2012/QĐ-TTg bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Cụ thể mức hỗ trợ đối với diện tích gieo cấy lúa thuần bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha; diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Đến nay, một số địa phương đã thực hiện hỗ trợ xong như thị trấn Buôn Trấp đã giải ngân 520 triệu đồng, xã Dray Sáp 378 triệu đồng, Quảng Điền 75 triệu đồng.

Mùa hạn năm 2016, huyện Krông Ana có 2.317 ha cà phê bị thiệt hại.
Mùa hạn năm 2016, huyện Krông Ana có 2.317 ha cà phê bị thiệt hại.

Các xã còn lại đang tiến hành rà soát diện tích và số hộ bị thiệt hại, đến nay chưa có báo cáo. Quy định là vậy, nhưng trong thực tế nhiều hộ trên địa bàn vẫn chưa nắm được chủ trương hỗ trợ trên, hoặc thuộc diện được hỗ trợ nhưng không được thông báo để kê khai thiệt hại. Chẳng hạn, cùng canh tác tại khu vực Đồi công nghiệp (thuộc tổ dân phố 3, thị trấn Buôn Trấp), nhưng trong khi một số hộ đã được nhận tiền hỗ trợ, thì nhiều hộ vẫn chưa được nhận, thậm chí không được thông báo và đã tỏ ra bất bình với cách triển khai chính sách này.

Ông Nguyễn Tiến Hải (thôn 5 xã Bình Hòa) cho hay, ông có 5 sào cà phê thiệt hại do hạn hán, nhưng không nhận được thông báo kê khai. Trong khi đó, cũng ở khu vực này, một số hộ dân khác có cùng thiệt hại như vậy lại được kê khai, nhận tiền hỗ trợ. Về mức hỗ trợ, hầu hết các hộ dân đều được nhận 780.000 đồng/ha (thấp hơn mức hỗ trợ tối thiểu như quy định). Mặc dù thị trấn Buôn Trấp là địa phương được xem là đã thực hiện hỗ trợ xong, nhưng một số hộ vẫn chưa nhận đủ tiền. Bà Đặng Thị Xê có 1,5 ha cà phê bị hạn hán, thuộc danh sách hỗ trợ, nhưng cách đây hơn 1 tháng mới nhận được 700.000 đồng.

Theo phản ánh của bà Xê, sở dĩ bà được nhận khoản tiền này là do cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ cho rằng vì gia đình bà có hoàn cảnh khó khăn (?!). Trong khi đó một số hộ dân ở thị trấn Buôn Trấp lại phản ánh việc thống kê diện tích, mức hỗ trợ của địa phương được làm theo kiểu… thích cho ai thì cho! Với kiểu làm như thế, người bị thiệt hại thực sự thì được hỗ trợ thấp hoặc không hỗ trợ, thậm chí theo phản ánh của người dân, một số trường hợp không có diện tích thiệt hại cũng được nhận tiền hỗ trợ(?).

Hỗ trợ thiệt hại do thiên tai là chính sách quan trọng, đầy tính nhân văn của Nhà nước. Vì vậy để phát huy hết giá trị của chính sách này, huyện Krông Ana cần kiểm tra lại quá trình thực hiện để bảo đảm tính minh bạch, công bằng tạo niềm tin trong nhân dân.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.