Huyện Cư Kuin: Gặp khó ở nhiều tiêu chí về cơ sở hạ tầng
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cư Kuin cho biết, đến nay, toàn huyện có 2 xã đạt từ 15-16 tiêu chí, 4 xã đạt từ 11-14 tiêu chí, 2 xã đạt từ 8-10 tiêu chí NTM và vẫn chưa có xã nào cán đích NTM. Các tiêu chí nhà ở, an ninh quốc phòng, hệ thống chính trị, lao động việc làm, thu nhập… đều được các xã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên hiện tại các tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn hầu như chưa có xã nào đạt. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu vốn đầu tư thực hiện các tiêu chí theo kế hoạch đề ra lớn trong khi vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM từ Trung ương, tỉnh phân bổ cho huyện không đủ đầu tư tổ chức thực hiện.
Trong năm 2016, huyện đã nâng cấp sửa chữa 49,57 km, 65 tuyến đường giao thông các loại với tổng kinh phí trên 39 tỷ đồng. Theo dự tính để cải tạo nâng cấp, xây mới đường giao thông đạt quy chuẩn của Bộ Giao thông - Vận tải thì cần kinh phí khoảng trên 42 tỷ đồng. Do vốn đầu tư cao, ngân sách địa phương và việc huy động đóng góp từ nhân dân còn hạn chế nên tới nay mới chỉ có xã Hòa Hiệp đạt tiêu chí này. Tương tự, huyện phải cần trên 14 tỷ đồng đầu tư thực hiện tiêu chí trường học và 16,9 tỷ đồng thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa nên đến nay 2 tiêu chí này vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn.
Giao thông là một trong những tiêu chí huyện Cư Kuin gặp khó do thiếu vốn. |
Đối với tiêu chí chợ nông thôn, toàn huyện hiện có 9 chợ đang hoạt động, nhưng chỉ có các chợ: xã Hòa Hiệp, xã Ea Hu, xã Trung Hòa, xã Ea Tiêu và chợ Việt Đức 4 (xã Ea Ning) là được đầu tư bài bản, hoạt động giao thương nhộn nhịp, còn lại phần lớn là chợ tạm, xuống cấp nghiêm trọng, công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường chưa bảo đảm. Việc bố trí các quầy, sạp còn lộn xộn, không theo bất kỳ một quy hoạch nào, nhiều chợ chưa có khu vệ sinh, thoát nước thải, khu vực chứa rác gây ô nhiễm môi trường… Một số chợ như 19-8, Thôn lô 13, Việt Đức 3, An Bình có diện tích nhỏ, không đủ để thực hiện các dịch vụ như giữ xe, kho bãi.
Bên cạnh đó, khi áp dụng tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn mới, số hộ nghèo tại các xã tăng cao, vì vậy có một số xã đã đạt tiêu chí này trong những năm trước thì nay lại không đạt.
Tiêu chí ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân dù đã được chú trọng nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển sản xuất nông nghiệp thành hàng hóa chuyển biến còn chậm, kinh tế hợp tác và hợp tác xã hoạt động hiệu quả chưa cao. Trên địa bàn huyện hiện có 7 Công ty TNHH MTV cà phê thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và chi nhánh Nông trường Cao su 19-8 thuộc Tổng Công ty Cao su Đắk Lắk quản lý sử dụng hơn 5.330,8 ha đất sản xuất; 2/9 hợp tác xã hoạt động (trong đó có 7 hợp tác xã ngừng hoạt động và đang chờ giải thể); 8 tổ hợp tác; 32 tổ sản xuất cà phê bền vững... Tuy nhiên, do chính sách hỗ trợ cho kinh tế hợp tác chưa đi vào thực tiễn, đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã lại hạn chế về nghiệp vụ nên dẫn đến việc thiếu khả năng liên kết và hỗ trợ trong sản xuất ở khu vực nông thôn đặc biệt là kết nối sản xuất với thị trường.
Trước những khó khăn trên, UBND huyện đã đề ra nhiều giải pháp như: tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân, huy động nội lực sức dân thông qua các phong trào hiến đất làm đường, hiến ngày công lao động. Huyện cũng đề ra mục tiêu phấn đấu hằng năm mỗi xã đạt từ 1 đến 3 tiêu chí NTM và sẽ đưa xã Hòa Hiệp cán đích NTM trong năm 2017.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc