Kiểm soát an toàn thực phẩm ở khâu sản xuất: Nhiều bất cập, khó khăn cần được tháo gỡ
An toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề bức xúc trong xã hội, tuy nhiên việc kiểm soát ATTP ở các khâu sản xuất, chế biến, lưu thông đang gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu sản xuất.
Khó kiểm soát
Sản xuất nông nghiệp, thực phẩm trên địa bàn tỉnh ta hiện nay chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ, phân tán trong các hộ gia đình nên việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất… như thế nào còn tùy vào trình độ, nhận thức của người sản xuất. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, hiện ở cả 3 khâu sản xuất, chế biến, lưu thông đều có vấn đề và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP, trong đó khâu sản xuất là khó kiểm soát nhất.
Sản phẩm của các HTX sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh được giới thiệu tại một hội thảo về thị trường tiêu thụ. |
Để hạn chế nguy cơ này, hằng năm Chi cục thường xuyên lấy mẫu giám sát chất lượng, ATTP tại cơ sở sản xuất rau quả, quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các hộ dân trong vùng sản xuất, sơ chế rau, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các hộ dân tại vùng sản xuất rau an toàn đều được tập huấn kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, ICM, sản xuất theo VietGAP nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trên rau rất hạn chế, bảo đảm thời gian cách ly, chuyển hướng sử dụng thuốc sinh học. Đối với việc quản lý ATTP trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, các cơ sở đều được hướng dẫn làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Từ năm 2015 đến nay, Chi cục đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 510 cơ sở. Riêng với các hộ, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thì thực hiện cam kết về điều kiện ATTP. Ngoài ra, Chi cục cũng tổ chức thực hiện 46 cuộc thanh, kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP định kỳ và đột xuất đối với 501 cơ sở, lấy 310 mẫu kiểm nghiệm chất lượng, trong đó 235 mẫu đạt và 75 mẫu không đạt. Thông qua kết quả phân tích, Chi cục đã xử lý nghiêm trường hợp mẫu không đạt, yêu cầu truy xuất thu hồi tái chế, tiêu hủy sản phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát làm sao để người sản xuất thực hiện đúng như cam kết trên thực tế còn rất khó khăn do công tác quản lý Nhà nước về kiểm dịch thực vật, kiểm soát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng… vẫn còn yếu, trong khi diện tích sản xuất theo chương trình VietGAP, hữu cơ trên địa bàn tỉnh thì rất khiêm tốn nên nguy cơ mất vệ sinh ATTP là điều khó tránh khỏi.
Cần có sự đầu tư đúng mức
Một trong những nguyên nhân khiến công tác quản lý, kiểm soát ATTP gặp nhiều khó khăn, chưa được thực hiện sát sao là do việc đầu tư cho công tác này còn rất hạn chế. Hằng năm, nguồn ngân sách của địa phương đầu tư cho công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản bình quân khoảng trên 3 tỷ đồng, trong khi cơ sở vật chất làm việc còn khó khăn, trang thiết bị nghèo nàn, chưa có phòng, thiết bị kiểm nghiệm và xe test nhanh để kiểm soát ATTP tại các chợ đầu mối, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Điều này dẫn đến việc lấy mẫu kiểm nghiệm phải gửi đi các tỉnh khác để phân tích và chờ từ 10-15 ngày mới có kết quả, khiến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm vi phạm thường không thực hiện được hoặc thực hiện không triệt để vì khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu không đạt thì cơ sở kinh doanh đã bán hết cho người tiêu dùng. Đây là một khó khăn, thách thức rất lớn trong công tác quản lý chất lượng, ATTP trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, ATTP là vấn đề cấp thiết, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân, vì vậy Chi cục đang tha thiết đề nghị tỉnh cho mua 1 xe kiểm tra nhanh để phục vụ công tác kiểm soát chất lượng ATTP tại chỗ ở các chợ đầu mối nhằm ngăn chặn kịp thời những sản phẩm không bảo đảm ATTP đến tay người tiêu dùng, tuy nhiên vẫn đang phải chờ nguồn kinh phí…
Các thành viên của HTX rau an toàn Toàn Thịnh (huyện Cư M’gar) thực hiện sơ chế, đóng gói sản phẩm. |
Bên cạnh đó, vẫn còn một khó khăn nữa là tuy các văn bản quy định về quản lý ATTP được ban hành tương đối đầy đủ, nhưng các quy định chưa thống nhất, còn chồng chéo, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu gây khó khăn trong công tác quản lý và phiền hà cho cơ sở, doanh nghiệp. Đơn cử, theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP, ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, trong đó không có biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi: sử dụng phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục nhưng vượt quá giới hạn cho phép; không có giấy khám sức khỏe; người lao động không mang, mặc trang phục bảo hộ; không có hoặc có nhưng đã hết hạn giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP… Do đó, cần có quy định biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể cho từng trường hợp; quy định thời gian bao nhiêu ngày cơ sở phải có các giấy tờ còn thiếu…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc