Multimedia Đọc Báo in

Kỳ vọng từ Điểm bán hàng Việt đầu tiên của tỉnh

13:23, 17/07/2017

Giữa tháng 6-2017 Sở Công thương xây dựng thí điểm điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại siêu thị Mường Thanh thuộc Chi nhánh doanh nghiệp (DN) tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột).

Khu vực bán hàng này có diện tích 100 m2 và 100% là hàng Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Kinh phí xây dựng 110 triệu đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa từ DN.

Theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29-4-2014, đến năm 2020, tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại mỗi địa phương.

Điểm  bán hàng Việt  tại  siêu thị Mường Thanh.
Điểm bán hàng Việt tại siêu thị Mường Thanh.

Tại Đắk Lắk, “Điểm bán hàng Việt” đầu tiên được triển khai nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng (NTD) có cơ hội tiếp cận với hàng hóa có chất lượng do trong nước sản xuất. Qua đó, tạo cơ hội cho DN sản xuất giới thiệu sản phẩm tiếp cận với thị trường và cung cấp những mặt hàng thiết yếu phục vụ NTD. Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Công thương cho hay, Điểm bán hàng Việt Nam cố định này được kỳ vọng sẽ trở thành địa chỉ mua sắm hàng Việt chính hãng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và cũng là cơ hội để nhà sản xuất trong nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng nắm bắt thị hiếu NTD để đề ra chiến lược sản xuất, phân phối sản phẩm phù hợp. Trên thực tế, thời gian qua, hệ thống phân phối hàng Việt chưa được DN quan tâm đúng mức, hoặc có quan tâm nhưng thiếu tính bền vững khiến NTD khó phân biệt hàng Việt chất lượng với các loại hàng hóa trôi nổi khác trên thị trường. Sau khi đi vào hoạt động, Sở tiếp tục hỗ trợ DN quảng bá, tuyên truyền về hàng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang web của Sở và của tỉnh… Đồng thời, tăng cường  kiểm tra về nguồn gốc hàng hóa trưng bày, thông tin về tình hình kinh doanh của điểm bán hàng Việt, kiên quyết không để lẫn lộn hàng hóa trôi nổi khác vào đây.

Được biết, nước ta hiện có hơn 40 điểm bán hàng Việt. Riêng với Đắk Lắk, dù không sớm nhưng việc xây dựng điểm bán hàng Việt ở đây là hết sức cần thiết nhằm giúp NTD trong tỉnh tiếp cận với nhiều mẫu mã, chủng loại hàng phong phú, chất lượng bảo đảm và giá cả phải chăng. Tuy nhiên, việc triển khai điểm bán hàng Việt ở thành phố, đô thị đông đúc là chưa đủ mà cần ưu tiên ở những địa bàn xa, người dân chưa có cơ hội tiếp cận, sử dụng nhiều hàng Việt thiết yếu có uy tín, chất lượng. Trong đó, nên chú trọng đến vùng đồng bào DTTS, giao thông đi lại khó khăn. Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục tạo điều kiện cho DN nhân rộng mô hình này trên tình thần các DN sản xuất trong nước cũng phải ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, nhất là trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của NTD…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.