Làm giàu từ mô hình đa cây, đa con
Thay vì chỉ trồng và nuôi một loại cây, con như trước, những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cư M’gar đã chọn phát triển kinh tế theo hướng tổng hợp đa cây, đa con, xen canh. Từ đó nhiều hộ đã vươn lên làm giàu với thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 1995, ông Trịnh Minh Khánh đưa gia đình từ Quảng Ngãi vào sinh sống, lập nghiệp ở buôn Ea Kiêng, xã Ea Tar. Với số vốn mang theo, vợ chồng ông mua được 1 ha đất trống. Là một người năng động, nhìn thấy hạn chế của việc canh tác độc canh nên ông Khánh xác định phát triển kinh tế gia đình theo hướng đa cây, đa con để có nhiều nguồn thu, giảm thiểu rủi ro do sự biến động thời tiết và giá cả thị trường.
Cũng như nhiều nông dân khác ở địa phương, cây cà phê được ông Khánh chọn làm chủ lực. Việc canh tác của ông rất linh hoạt, khi cây cà phê còn nhỏ thì xen thêm các loại cây hoa màu ngắn ngày như: bắp, đậu… lấy ngắn nuôi dài; đến khi cây cà phê phân tán thì thay thế bằng cây hồ tiêu, với số lượng khoảng 500 trụ trồng xen vào các ngã tư và đường biên của rẫy vừa có tác dụng che nắng, chắn gió, giữ ẩm cho cây trồng chính vừa mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Ông Nguyễn Thạc Cảnh (giữa) chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc sầu riêng với khách đến tham quan. |
Tận dụng lợi thế đất vườn rộng, ông Khánh chăn nuôi thêm gà, vịt và heo rừng… Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh hiệu quả nên đàn vật nuôi của gia đình ông phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh và cho thu nhập khá. Từ mô hình chăn nuôi heo (với quy mô 4 heo mẹ), mỗi năm ông xuất bán ra thị trường khoảng 6 tạ heo hơi, thu nhập khoảng 70 triệu đồng trong khi chi phí thức ăn chủ yếu được tận dụng từ những thứ có sẵn trong gia đình.
Từ hiệu quả của mô hình đa cây, đa con, gia đình ông Khánh tiếp tục mua thêm đất mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, gia đình ông có 4 ha cà phê xen 2.000 trụ tiêu (trong đó có 1.500 trụ tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh), 40 cây sầu riêng, 1 đàn heo và 1 đàn gia cầm... Đặc biệt, tận dụng những rìa đất, ông còn trồng thêm nghệ và gừng... Dù thực hiện nhiều mô hình cùng lúc nhưng nhờ biết bố trí cây trồng, vật nuôi đa dạng và khoa học nên gia đình ông Khánh có thu nhập đều đặn quanh năm với tổng nguồn thu lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ hết chi phí đầu tư. Gia đình ông Khánh vươn lên hộ có kinh tế khá giả ở địa phương. Mô hình kinh tế của gia đình được nhiều người tìm đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm…
Gia đình ông Nguyễn Thạc Cảnh (thôn 3, xã Ea Kpam) có hơn 1,25 ha đất canh tác. Trước đây trên diện tích này, ông chỉ trồng độc canh cây cà phê. Tuy nhiên, do chất đất bạc màu, giá cả cà phê những năm gần đây không ổn định nên hiệu quả không cao, có nhiều năm thu chỉ vừa đủ chi, không có tích lũy.
Để nâng cao thu nhập cho gia đình, từ năm 2011 ông Cảnh đã mạnh dạn đưa cây sầu riêng vào trồng xen canh, đến nay ông đã trồng xen hơn 200 cây sầu riêng giống Mon Thong - giống sầu riêng Thái Lan cho năng suất cao, thích nghi được với nhiều điều kiện khí hậu, cho trái vào khoảng năm thứ ba sau khi trồng. Thời gian đầu mới trồng xen sầu riêng, do chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nên sầu riêng bị sâu, bệnh, nhất là bệnh do nhện đỏ gây ra, năng suất không cao. Không nản chí, ông đã mang mẫu bệnh đến Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên phân tích để có biện pháp xử lý, đồng thời đọc sách, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật và tìm đến học hỏi kinh nghiệm chăm sóc sầu riêng tại các mô hình thành công.
Đến nay, nhờ ông nắm rõ về kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho cây sầu riêng nên vườn cây luôn phát triển xanh tốt và năng suất nâng lên đáng kể, bình quân đạt từ 30 – 70 kg/cây. Với hơn 200 cây sầu riêng trong giai đoạn kinh doanh, gia đình ông Cảnh thu được hơn 15 tấn quả, mang đến thu nhập hơn 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí; chưa kể thu nhập từ hơn 1 tấn cà phê/năm…
Hiện nay, vườn cà phê xen sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Thạc Cảnh đã trở thành một trong những địa điểm được nhiều người tìm đến để tham quan và học hỏi kinh nghiệm.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc