Multimedia Đọc Báo in

Nan giải chống thất thu lĩnh vực kinh doanh dịch vụ

08:13, 26/07/2017

Hoạt động kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, karaoke, massage, vũ trường) đang là một trong những lĩnh vực thất thu lớn đối với ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, chống thất thu thuế trong lĩnh vực này đang đặt ra nhiều thách thức.

Khách du lịch làm thủ tục nhận phòng tại một khách sạn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Khách du lịch làm thủ tục nhận phòng tại một khách sạn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.


Khó nắm bắt doanh thu

Theo thống kê mới nhất của ngành Thuế, trên địa bàn tỉnh hiện có 73 doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ được quản lý thuế. Trong đó, TP. Buôn Ma Thuột có 53 DN (17 DN kinh doanh nhà hàng ăn uống, 3 DN karaoke, 24 DN khách sạn, 6 DN kinh doanh tổng hợp). Huyện Ea Kar có 10 DN (1 DN kinh doanh nhà hàng ăn uống, 1 DN massage, 8 DN karaoke); Krông Búk có 2 DN (1 DN kinh doanh massage, 1 DN kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn). Krông Pắc có 2 DN (1 DN massage, 1 DN kinh doanh hỗn hợp). Các huyện Cư M’gar, Lắk, Krông Ana mỗi huyện có 1 DN kinh doanh hỗn hợp. Tổng doanh thu của các DN trên trong kỳ kê khai thuế quý 1-2017 gần 51 tỷ đồng, trong đó có nhiều DN có doanh thu rất thấp, bằng 0 hoặc không kê khai như tại TP. Buôn Ma Thuột có Công ty Cổ phần Thống Nhất (kinh doanh hỗn hợp - không kê khai), Công ty TNHH Anh Thi (kinh doanh hỗn hợp - doanh thu bằng 0), DN tư nhân Thùy Linh (kinh doanh khách sạn – doanh thu 5 triệu đồng), Công ty TNHH TMDV Khách sạn Toàn Tâm (không kê khai); hay như tại huyện Ea Kar có 8 DN kinh doanh karaoke thì có đến 7 DN kê khai doanh thu bằng 0; tại huyện Krông Pắc có 1 DN kinh doanh massage có doanh thu quý 1 chỉ 1 triệu đồng… Có thể thấy, doanh thu của các DN mà ngành Thuế nắm bắt được là rất hạn chế so với số lượng và quy mô kinh doanh của nhiều DN. Chưa kể, theo số liệu kê khai của một số DN còn có phần vô lý so với quy mô hoạt động. Thế nhưng theo một cán bộ ngành Thuế, rất khó để ngành nắm bắt được doanh thu này, bởi hiện nay chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu mà chủ yếu chỉ dựa vào sự tự giác của người nộp thuế.

Cần có giải pháp quyết liệt

Thực tế trên cho thấy, khả năng thất thu trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ  là rất lớn, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để chống thất thu. Hiện nay, Cục Thuế tỉnh đang xây dựng đề án chống thất thu trong lĩnh vực này, nhưng nhìn vào nội dung dự thảo đề án, khả năng thực thi của nó vẫn còn nhiều bất ổn. Chẳng hạn, đối với ngành kinh doanh ăn uống, theo dự thảo đề án của ngành Thuế, DN phải nộp bản đăng ký tiệc cưới kèm theo hợp đồng đặt tiệc cho cơ quan thuế, thời gian nộp danh sách đăng ký trước ngày 30 hằng tháng; yêu cầu xuất hóa đơn cho khách hàng và thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ, hạch toán giá thành đúng quy định. Trong khi đó đối với các đơn vị kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, ngành Thuế sẽ khảo sát quy mô kinh doanh, lợi thế kinh doanh, dự kiến công suất hoạt động của phòng để làm cơ sở xây dựng ngưỡng doanh thu tối thiểu cho từng DN. Song song đó, yêu cầu các DN thực hiện nghiêm việc ghi sổ đăng ký tạm trú cho khách nghỉ trọ, đăng ký sơ đồ, số lượng phòng với cơ quan thuế và thực hiện niêm yết giá phòng theo quy định...

Tất cả những động tác trên vẫn chỉ mang tính chất cảm tính và chủ yếu vẫn dựa vào sự tự giác của người nộp thuế là chính. Nên chăng, cùng với việc khuyến khích người nộp thuế tự giác kê khai, cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp mạnh như khi phát hiện sai phạm có thể xử lý thật nặng, thậm chí có thể thu hồi giấy phép kinh doanh để có tính răn đe cao hơn. Đồng thời có sự phối hợp giữa các ngành liên quan như ngành Thuế, Công an, Quản lý thị trường, Văn hóa du lịch… để kiểm soát toàn diện, chính xác doanh thu của các DN kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.