Multimedia Đọc Báo in

Người Mông ở Cư Dhắt đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

07:31, 10/07/2017

Cư Dhắt là thôn vùng sâu cách trung tâm xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) hơn 20 km. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào Mông từ các tỉnh phía Bắc vào định cư.

Trước đây, người Mông thôn Cư Dhắt làm ruộng, làm rẫy rất thủ công, dùng sức người là chính. Những năm gần đây, bà con đã đầu tư, mua sắm các loại máy móc đưa vào sản xuất nông nghiệp, nhờ vậy tiết kiệm công lao động, thời gian và năng suất cây trồng tăng đáng kể.

Thôn Cư Dhắt hiện có 183 hộ dân nhưng đã có gần 100 máy nông nghiệp như máy cày, máy tuốt lúa, máy xạc bắp. Một số hộ chưa có điều kiện mua riêng thì chung nhau 2-3 hộ mua một chiếc máy.

Gia đình ông Hạng A Lao từ huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) vào định cư tại thôn Cư Dhắt từ năm 1997. Gia đình ông khai hoang được hơn 4 sào ruộng và hơn 2 ha đất rẫy trồng cà phê và ngô lai. Cách đây 5 năm, ông Lao quyết định đầu tư hơn 35 triệu đồng mua chiếc xe công nông bao gồm cả dàn cày, dàn bừa và rơ-moóc chở đồ để phục vụ sản xuất. Ông Lao vui vẻ cho biết: “Giờ làm 4 sào ruộng chỉ cần vài ngày là xong. Cày, bừa đều có máy; chỉ phát bờ, cuốc góc mới phải dùng cuốc. Khi thu hoạch cũng đã có xe vận chuyển nông sản về đến nhà, không phải gánh hoặc chở xe máy như trước nữa”.

Gia đình ông Hạng A Lao sử dụng máy cày để làm đất.
Gia đình ông Hạng A Lao sử dụng máy cày để làm đất.

Vợ chồng anh Sùng Mí Hòa cũng vừa làm đất và sạ xong 3 sào ruộng. Anh Hòa đang lắp dàn xới chuẩn bị đưa xe vào xới đất trong vườn cà phê mới trồng để trồng đỗ xen cà phê. Anh Hòa chia sẻ: “Trước kia chưa mua được máy, 3 sào ruộng thuê người cày, bừa phải tốn hết hơn 1 triệu đồng. Từ khi có máy cày, 3 sào ruộng chỉ cần mua khoảng 10 lít dầu hết hơn 100.000  đồng, hai vợ chồng làm trong hai ngày là xong. Có máy làm đất vừa nhanh vừa kỹ lại chủ động được thời gian nên vụ nào lúa cũng năng suất hơn những năm trước đây. 3 sào lúa mỗi năm 2 vụ thu về hơn 60 bao lúa hạt”.

Ông Ma A Sà, Trưởng thôn Cư Dhắt phấn khởi: “Cả thôn hiện có 32 ha lúa nước, 20 ha ngô lai, 54 ha sắn, 18 ha cà phê... Tuy cuộc sống chưa hết khó khăn nhưng bà con bây giờ làm ruộng, làm rẫy không còn vất vả như trước nữa. Hầu hết các gia đình đã dùng máy cày trong việc làm đất, rạch hàng, không còn làm bằng tay, cày trâu hay đổi công nữa. Nông sản thu hoạch cũng được vận chuyển bằng xe công nông vì đường giao thông trong thôn rất thuận lợi”.     

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.