Multimedia Đọc Báo in

Siết chặt quản lý, khai thác khoáng sản

11:05, 14/07/2017

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ Tư, HĐND tỉnh khóa IX vừa diễn ra, các đại biểu đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Đây là lần đầu tiên HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề “nóng” tại kỳ họp, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu HĐND và cử tri trong tỉnh.

Quản lý chưa chặt chẽ

Theo báo cáo giám sát, trong thời gian qua, công tác quản lý, khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện nên đạt được một số kết quả nhất định. Ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cơ bản đáp ứng đủ và kịp thời nguyên liệu cát, đá cho lĩnh vực xây dựng. Giá trị sản xuất công nghiệp khai khoáng ngày càng tăng; hơn 50 tổ chức hoạt động khoáng sản đã giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, thu nhập bình quân 40-50 triệu đồng/người/năm, góp phần nâng cao đời sống của người dân trong khu vực...

Đại biểu Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại Kỳ họp.   Ảnh: H. Gia
Đại biểu Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: H. Gia

Tuy nhiên, công tác này trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập: giá trị sản xuất, đóng góp ngân sách chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả kinh tế thấp. Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản ở một số nơi chưa phù hợp với điều kiện thực tế, có trường hợp khu vực không có cát cũng cấp phép khai thác; hay cấp giấy phép khai thác đá xây dựng ở trung tâm đô thị (2 mỏ đá xây dựng tại tổ dân phố 5, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo), gần hành lang an toàn hồ đập (mỏ đá Ea Tul, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị. Việc quản lý của các cấp, các ngành còn chồng chéo, gián đoạn, tạo kẽ hở trong quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường trong hoạt động khai khoáng. Sản lượng khai thác khoáng sản không đảm bảo công suất theo giấy phép được cấp, hoạt động không tuân thủ theo dự án, thiết kế và báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết được duyệt... nhưng chưa có biện pháp xử lý.

 

“UBND tỉnh cần kiên quyết xử lý để tránh thất thoát trong thu thuế các hoạt động khai thác khoáng sản; đồng thời tiếp tục giám sát chặt chẽ, phân cấp quản lý, giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương để lập lại trật tự khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh...” 

 
 
Đại biểu Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng khai thác không có giấy phép như HTX Nam Sơn khai thác cát xây dựng tại huyện Cư Kuin; doanh nghiệp mới được cấp phép thăm dò, chưa cho khai thác nhưng đã có sản phẩm như trường hợp Công ty TNHH Quốc Duy, huyện Krông Bông chế biến đá granit ốp lát. Tình trạng sang nhượng đất ruộng để khai thác cát, sét tại các huyện Krông Bông, Cư Kuin, Krông Ana... chưa được quản lý chặt chẽ và thiếu kiểm tra kịp thời. Việc quản lý giấy phép khai thác, quản lý thuế khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp, nhất là trong hoạt động khai thác đá, cát xây dựng còn bất cập; tiền ký quỹ phục hồi môi trường sau khai thác của các doanh nghiệp tính ở mức thấp, không đủ chi phí khi thực hiện; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp thiếu chặt chẽ nên hiệu quả quản lý chưa cao...

Thực hiện biện pháp mạnh để chấn chỉnh

Đóng góp ý kiến tại phiên giám sát chuyên đề, nhiều đại biểu cho rằng việc lập lại trật tự khai thác khoáng sản không dễ thực hiện ngày một ngày hai mà là một quá trình cần sự phối hợp từ nhiều phía, từ các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, theo lãnh thổ, với những biện pháp mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thiên Văn (tổ đại biểu huyện Krông Pắc) đề nghị UBND tỉnh sớm tổ chức việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đơn vị khai thác phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động trong phạm vi được cấp phép, nếu để xảy ra việc khai thác lậu, khai thác làm ảnh hưởng đến môi trường thì phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị cần tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể trữ lượng của các mỏ đã được cấp phép theo từng loại khoáng sản cũng như đánh giá tác động, ảnh hưởng tới môi trường, an sinh xã hội của hoạt động khai thác khoáng sản; có quy chế phối hợp quản lý cát, sỏi giữa các địa phương ở khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh, hai huyện...

Đoạn bờ sông Krông Ana đi qua xã Đắk Liêng, huyện Lắk bị sạt lở do khai thác cát quá mức.   Ảnh: V. Tiếp
Đoạn bờ sông Krông Ana đi qua xã Đắk Liêng, huyện Lắk bị sạt lở do khai thác cát quá mức. Ảnh: V. Tiếp

Qua ý kiến thảo luận, đề xuất của các đại biểu cũng như giải trình của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó đề ra 7 nhóm giải pháp tổng thể.

Cụ thể, có biện pháp mạnh chấn chỉnh các hoạt động khai thác khoáng sản, từ cấp phép, quy hoạch, thăm dò, khai thác đến vận chuyển, chế biến khoáng sản. Làm rõ và xử lý trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành trong việc thực thi chức trách cấp giấy phép hoạt động không đúng quy định. Tiến hành rà soát, lựa chọn phù hợp để quy hoạch các bến, bãi tập kết tập trung, quy hoạch vùng cấm khai thác, khoanh định vùng cấm tạm thời đối với hoạt động khai thác khoáng sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp.

Đồng thời có lộ trình, quy định thời hạn đóng cửa mỏ khai thác ở khu vực đô thị; chấm dứt và xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng thăm dò để khai thác đá granit ốp lát, khai thác cát làm sạt lở bờ sông; xây dựng đề án cải tạo đồng ruộng, tạo nguồn nguyên liệu đất sét song song với xây dựng phương án sắp xếp lại việc sản xuất gạch phù hợp quy hoạch và lộ trình chuyển đổi gạch không nung theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền...

Lan Anh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.